Xuất khẩu rau quả: Câu chuyện về chiếc ‘lò xo’ bị nén

28/02/2024

Với nụ cười nhẹ nhàng, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), đã chia sẻ những tâm đắc và cả những điều còn trăn trở để Việt Nam thực sự trở thành một cường quốc xuất khẩu (XK) rau quả trong tương lai. Cuộc trò chuyện của VnBusiness với ông như ấm dần lên trong không khí Xuân khi đề cập tới bức tranh sáng sủa của ngành hàng chủ lực này.

Với một vẻ mặt đầy tự hào, ông Nguyên nói rằng, xuất khẩu (XK) rau quả trong năm 2023 đã có sự tăng trưởng ngoạn mục với kim ngạch đạt được 5,6 tỷ USD, tăng 70% so với năm 2022. Để đạt được thành tích này, Việt Nam đã ký được nhiều Nghị định thư, trong đó quan trọng nhất là Nghị định thư ký với Trung Quốc về XK chính ngạch trái sầu riêng, đã giúp cho kim ngạch XK đạt được mức kỷ lục từ trước đến nay.

“Bức tranh sáng” với những bước tiến tích cực 

Năm 2023 rõ ràng là một năm đầy thành công của ngành rau quả, nếu để ví von về câu chuyện của ngành, ông sẽ nói gì? 

Tôi muốn nói rằng, ngành rau quả giống như chiếc lò xo bị nén sau 3 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và đã bung mạnh trong năm 2023 khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Chính vì vậy đã giúp cho kim ngạch XK hồi phục một cách mạnh mẽ. 

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Với kim ngạch đạt mức cao như vậy (chỉ trong vòng một hai năm từ mức kim ngạch 3,6 tỷ USD/năm đã vọt lên đến 5,6 tỷ USD/năm), điều mà tôi tâm đắc là sau 3 năm đại dịch, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rau quả và các hợp tác xã (HTX), nông dân đã có những cải tiến đáng ghi nhận về chất lượng, về số lượng. Cho nên, khi được XK một cách thoải mái trở lại, họ đã đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu và đạt được doanh số nhiều như thế.

Tôi muốn nhấn mạnh thế này, thực ra, nếu như thị trường nhập khẩu có mở cửa trở lại nhưng chúng ta không đảm bảo về chất lượng và số lượng, không cải tiến về mẫu mã, bao bì thì chắc chắn sẽ không bao giờ bán được với số lượng lớn.

Điều đó nói lên rằng ngành nông nghiệp rau quả Việt Nam đã và đang có bước phát triển mạnh, đột phá rõ rệt. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố thuận lợi (như vị trí địa lý, cây trái có quanh năm, nằm gần thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất thế giới là Trung Quốc…) giúp cho “bức tranh” ngành hàng này ngày càng “sáng” và sẽ phát triển vững mạnh hơn trong tương lai gần. 

Chúng ta đang có đội ngũ nông dân cần cù, thông minh, ngày càng được Chính phủ và các bộ, ngành dẫn dắt, hướng dẫn họ đi vào sản xuất an toàn để đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của nước nhập khẩu. Vì thế, con số kim ngạch như năm 2023 là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực phi thường của ngành hàng rau quả. 

Từ thành quả vượt bậc đã đạt được trong năm 2023, theo ông, trong năm 2024 chiếc ‘lò xo’ rau quả Việt có tiếp tục lập thêm đỉnh mới?

Tôi tin là kim ngạch XK rau quả trong năm 2024 sẽ tiếp tục cao hơn năm 2023 và tiếp tục lập thêm đỉnh mới, có thể là 6,5 tỷ USD hoặc thậm chí là 7 tỷ USD nếu như tình hình kinh tế thế giới không bị xáo trộn. Trong đó, công tác mở cửa thị trường, ký các nghị định thư rất là quan trọng. Việt Nam sẽ thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc để XK được sầu riêng cấp đông. Hiện nay Thái Lan đang ký độc quyền với Trung Quốc về mặt hàng này, nếu như chúng ta đàm phán thành công thì đó sẽ là một thắng lợi cho ngành hàng sầu riêng để nâng kim ngạch XK.

Nếu chúng ta khai thác tốt tất cả các lĩnh vực của sầu riêng, làm một cách “tới bến” từ XK tươi cho đến đông lạnh và chế biến là có thể đạt kim ngạch khoảng 3 – 4 tỷ USD trong năm 2024, tức ngang ngửa hoặc vượt qua kim ngạch XK lúa gạo. Cho nên sầu riêng tiếp tục là mặt hàng chiến lược của ngành rau quả trong năm 2024. Một khi chỉ chăm XK sầu riêng tươi thì cao lắm chúng ta đạt được khoảng 3 tỷ USD/năm, còn nếu XK thêm sầu riêng đông lạnh, sầu riêng được chế biến, sấy khô…thì kim ngạch chắc chắn vượt qua ngành lúa gạo.

Ngoài ra, với những mặt hàng rau quả chủ lực khác như dừa tươi thì Việt Nam cũng đang đàm phán với Trung Quốc để nước này mở cửa nhập khẩu nhằm phục vụ cho nhu cầu làm thực phẩm. Các năm trước kim ngạch XK dừa của Việt Nam chỉ vào khoảng 200 triệu USD/năm, nếu có thêm được thị trường Trung Quốc thì khả năng kim ngạch sẽ đạt gấp 2 – 3 lần, tức là có thể vào khoảng 500 – 600 triệu USD/năm. Hoặc như các mặt hàng bưởi, bơ cũng đang đàm phán để xuất chính ngạch sang Trung Quốc cũng sẽ góp phần tăng kim ngạch cho năm 2024.

Mơ về một ‘cường quốc XK rau quả’?

Với những thành công trên, rõ ràng giấc mơ về một quốc gia XK rau quả hàng đầu trong khu vực không phải là điều quá xa vời, thưa ông?

Đúng thế! Tôi nghĩ rằng trong 2 năm nữa, kim ngạch XK rau quả của Việt Nam sẽ ngang bằng với một cường quốc XK trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan (với kim ngạch khoảng 8 tỷ USD/năm). Thực tế cho thấy, hiện nay trình độ sản xuất của ngành rau quả Việt đang ngày càng thu hẹp, rút ngắn với Thái Lan, là quốc gia đã đi trước chúng ta gần 20 năm về công nghệ trồng trọt, chế biến rau quả.

Các HTX đã đóng vai trò quan trọng giúp cho trái sầu riêng lên “ngôi vương” trong XK rau quả.

Và mục tiêu là “cường quốc XK rau quả” trong khu vực chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay của Việt Nam. Vấn đề là chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong các năm tới. Để đạt trình độ cường quốc XK rau quả trong khu vực và trên thế giới thì đòi hỏi ngành hàng rau quả phải cải tiến, nỗ lực rất nhiều. 

Thứ nhất là hoàn thành hạ tầng giao thông, logistics, chẳng hạn như năm 2025 sẽ hoàn thành cao tốc Bắc – Nam một cách xuyên suốt, sẽ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa rau quả bằng đường bộ sang Trung Quốc.

Thứ hai là tổ chức sản xuất. Các nông dân không thể làm ăn riêng lẻ mà phải gắn kết với nhau bằng cách tham gia HTX, để từ đó xin mã số vùng trồng được thuận lợi nhằm phục vụ cho XK. Hơn nữa, khi tham gia HTX thì nông dân sẽ có điều kiện vay vốn để cải thiện, nâng cao cơ sở vùng trồng và được tham gia vào các chương trình tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác rau quả. Cho nên, điều cơ bản nhất cho phát triển ngành rau quả là cần đẩy mạnh việc hình thành các HTX ở ngành hàng này.

Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của khu vực HTX trong câu chuyện này?

Như tôi đã nói, HTX có một vai trò rất quan trọng trong XK rau quả. Từ những HTX phát triển mạnh sẽ hình thành vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu lớn đạt chất lượng và số lượng theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Hơn nữa, những nhà thu mua quốc tế cũng không bao giờ đi quan hệ làm ăn với vài nông dân nhỏ lẻ, thay vào đó, ít nhất trong mối liên kết lâu dài của họ là từ các HTX trở lên.

Cho nên, trên con đường hướng tới hiện thực hóa giấc mơ “cường quốc XK rau quả” cho Việt Nam thì HTX chính là hạt nhân, là tế bào rất quan trọng trong hoạt động XK. Vì vậy, việc củng cố vai trò hoạt động của các HTX là rất cần thiết.

Thứ ba là cần cải tiến các giống cây trồng để tạo ra sản phẩm cạnh tranh với những quốc gia xung quanh, không phải cứ một vài giống cây trồng đã cũ mà chúng ta làm hoài, thay vào đó, chúng ta phải có những cải thiện đáng kể. 

Mục tiêu mà ngành nông nghiệp đặt ra cho ngành rau quả là có khả năng đạt kim ngạch XK ngang ngửa với kim ngạch XK thủy sản. Tức là ít nhất cũng phải đạt 8 – 10 tỷ USD. Mốc thời gian để đạt được giá trị này theo tôi nghĩ sẽ phải đến năm 2030, muốn rút ngắn hơn cũng rất khó khi mà hạ tầng cơ sở logistics của chúng ta chưa hoàn chỉnh, phải cần thêm vài năm nữa để hoàn thiện.

– Điều gì còn khiến ông băn khoăn ở ngành hàng rau quả?

Việc cải tiến về giống cây trồng (một yếu tố cực kỳ quan trọng) của chúng ta hiện vẫn còn rất chậm. Điều này đòi hỏi cần cải tiến nhanh, kịp thời về khâu giống và kỹ thuật canh tác. Nói chung là những vấn đề về trồng trọt còn phải cải tiến rất nhiều.

Ngành rau quả Việt rất cần cải tiến các giống cây trồng để tạo ra sản phẩm cạnh tranh với những quốc gia xung quanh.

Không những vậy, ngoài việc công nghệ chế biến cần phải tiếp tục cải tiến nhiều hơn nữa thì công nghệ bảo quản sau thu hoạch của chúng ta cũng còn hạn chế, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao (khoảng 20 – 40%). Đó là do công nghệ thu hái chưa được cơ giới hóa, phương tiện còn thô sơ, đường sá còn hư hỏng…Chưa kể, kho bãi tập kết rau quả còn chưa hoàn chỉnh.

Cho nên, để hiện thực hóa giấc mơ “cường quốc XK rau quả” cho Việt Nam  thì còn rất nhiều việc phải làm. Nhất là cần tạo ra chuỗi liên kết một cách chặt chẽ và mang lại lợi ích hài hòa cho các chủ thể tham gia, gồm nông dân, HTX, doanh nghiệp và nhà khoa học. Còn nếu như chỉ có một chủ thể được hưởng lợi thì chắc chắn chuỗi liên kết đó sẽ đứt gãy hoặc gập ghềnh và không phát triển bền vững.

Bài viết liên quan