SỬ DỤNG PHÂN BÓN HỮU CƠ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

18/03/2021

13/09/2016TS. Lê Thiên Minh

SỬ DỤNG PHÂN BÓN HỮU CƠ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

  1. Đặt vấn đề

Hoạt động sản xuất nông nghiệp là những tác động của con người lên các đối tượng tự nhiên (cây trồng, đất đai…) để tạo ra các sản phẩm (nông sản) nhằm thỏa mãn các nhu cầu của mình. Những tác động đó nếu phù hợp với các quy luật khách quan  sẽ thúc đẩy sự phát triển và tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho con người. Ngược lại, nếu những tác động trong nông nghiệp cũng như các tác động khác của con người trong các hoạt động sản xuất và đời sống không phù hợp với các quy luật khách quan của tự nhiên thì sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.
Nền nông nghiệp nước ta sau một giai đoạn phát triển, chú trọng đến năng suất, đã góp phần nâng cao mọi mặt của đời sống người nông dân nói riêng và nông thôn nói chung, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, thậm chí đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó nền nông nghiệp đang dần bộc lộ những hệ lụy yếu kém về mặt chất lượng, môi trường nông nghiệp nông thôn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Một số sản phẩm không đảm bảo yêu cầu VSATTP, chưa tạo được niềm tin của người tiêu dùng, đặc biệt chưa đảm bảo các yêu cầu khắt khe về chất lượng trong xuất khẩu các sản phẩm nông sản. Nguyên nhân chính là do chúng ta đang lạm dụng quá mức phân bón, thuốc BVTV hóa học trong nông nghiệp. Theo FAO (2012), năng suất lúa Việt Nam đang cao hơn so với các quốc gia lân cận (55 tạ/ha so với 38 tạ/ha,) nhưng mật độ sử dụng phân bón của Việt Nam lên đến 297 kg/ha so với mức 156 kg/ha của các quốc gia lân cận. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp nước ta đang phải đối mặt với những vấn đề khó khăn như:
–  Chất lượng nông sản ngày càng giảm sút, nhiều loại nông sản không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, nhiều loại rau quả bị dư thừa nitrat, gây độc và không bảo quản chế biến được.
–   Giá các loại phân vô cơ, nhất là phân đạm ngay càng tăng, nông dân đầu tư trồng cây, song không có thị trường tiêu thụ hoặc giá bán rẻ, họ phải chặt phá cây trồng hoặc bỏ hóa vụ trồng trọt, không có thu nhập, đời sống khó khăn.
–  Đất trồng không có phân hữu cơ ngày càng bị bạc màu hóa, khô cằn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng. Nhiều vùng cây ăn quả quý do đất đai cằn cỗi đã bị mất giống hoặc bị giảm chất lượng nghiêm trọng, như các loại quả cam, quýt, bưởi, chuối, nhãn, xoài, mơ, mận…
Trước thực trạng đáng lo ngại đó, ý kiến các nhà khoa học cho rằng, muốn xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam an toàn, phát triển ổn định bền vững, vừa đáp ứng yêu cầu tăng năng suất, sản lượng, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm ATVSTP, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa tác động biến đổi khí hậu (BĐKH), đó chính là con đường xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ.

Nông nghiệp hữu cơ là gì?

Nông nghiệp hữu cơ bao gồm các hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng có lợi cho môi trường tự nhiên, xã hội và đảm bảo tính an toàn của nông sản cũng như hiệu quả kinh tế của sản xuất.
Nông nghiệp hữu cơ khai thác tổng hợp tất cả các yếu tố tự nhiên sẵn có của khu vực sản xuất:
− Coi độ phì sẵn có của đất là yếu tố cơ bản của hệ thống trồng trọt.
− Sử dụng các nguồn gen, giống cây trồng/vật nuôi địa phương là chính để phát huy tính thích nghi, thích hợp và ổn định của nông nghiệp bền vững.
− Khai thác hợp lý nguồn nước, thời vụ gieo trồng và các nguồn phân hữu cơ.
Nông nghiệp hữu cơ hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây độc hại cho cây trồng/vật nuôi và môi trường sống như các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng/tăng trọng, hóa chất dùng để bảo quản, chế biến nông sản, v.v…
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chất lượng gần giống với sản phẩm của thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe con người, mùi vị thơm ngon.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), nền nông nghiệp hữu cơ có khả năng đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực nuôi sống dân số trên thế giới hiện nay song song với việc giảm thiểu những tác động có hại cho môi trường.
Các nguyên tắc cơ bản của canh tác hữu cơ do IFOAM (International Federation of Organic Agriculture Movements) trình bày năm 1992 như sau:
– Sản xuất thực phẩm có chất lượng dinh dưỡng cao, đủ số lượng;\
– Khuyến khích và thúc đẩy chu trình sinh học trong hệ thống canh tác, bao gồm vi sinh vật, quần thể động thực vật trong đất, cây trồng và vật nuôi;
– Duy trì và tăng độ phì nhiêu của đất trồng về mặt dài hạn;
– Sử dụng càng nhiều càng tốt các nguồn tái sinh trong hệ thống nông nghiệp có tổ chức tại đại phương;\
– Giảm đến mức tối thiểu các loại ô nhiễm do kết quả của sản xuất nông nghiệp gây ra;
– Duy trì đa dạng hóa gen trong hệ thống nông nghiệp hữu cơ và khu vực quanh nó, bao gồm cả việc bảo vệ thực vật và nơi cư ngụ của cuộc sống thiên nhiên hoang dã.

  1. Vai trò của phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Vai trò

Trong lịch sử canh tác, người nông dân Việt Nam đã và chỉ có phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ: cày vặn rạ, vùi phân xanh, phế thải nông nghiệp vào ruộng, trồng xen các loại cây trồng với nhau và bón các loại phân hữu cơ như nước giải, phân chuồng, phân bắc, phân rác, phân xanh, tro bếp… Ngoài bón vôi để khử chua cho đất và làm vệ sinh đồng ruộng, họ không hề có và sử dụng phân vô cơ như đạm, lân, kali, Mg hoặc vi lượng như ngày nay.
Từ 1960 đến nay, sản xuất nông nghiệp Việt Nam sử dụng ngày càng nhiều các loại phân vô cơ, song phân hữu cơ vẫn là loại phân bón lót (phân nền) quan trọng cho hầu hết các loại cây trồng.
+ Kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ đơn giản, quen thuộc: trồng cây, sản xuất phân hữu cơ, bón phân lót trước khi trồng.
+ Giá thành sản xuất phân hữu cơ rẻ do sẵn nguyên liệu tại chỗ và người nông dân tự sản xuất được.
 + Nguồn nguyên liệu hữu cơ bổ sung cho đất và sản xuất phân hữu cơ phong phú và sẵn có tại địa phương: Phế thải nông nghiệp (rơm rạ, sản phẩm thừa sau thu hoạch); các loại phân gia súc, phân bắc; các loại phân xanh; phế thải chế biến nông sản.

+ Phương thức và công nghệ sản xuất các loại phân hữu cơ không phức tạp, dễ làm đối với đông đảo nông dân: Trồng các loại cây phân xanh với cây trồng chính theo kiểu xen canh hoặc luân canh; thu gom phế thải nông nghiệp, phân gia súc, rác thải sinh hoạt hữu cơ: Có thể vùi ngay xuống ruộng (đối với phế thải nông nghiệp hoặc phân xanh), hoặc ủ phế thải nông nghiệp hoặc phân xanh, rác thải hữu cơ với phân gia súc có phun thêm chế phẩm vi sinh vật để tạo nên sản phẩm phân hữu cơ sinh học có chất lượng dinh dưỡng cao và đảm bảo vệ sinh, an toàn.

So sánh hiệu quả sử dụng phân hữu cơ và vô cơ trong sản xuất nông nghiệp

Loại phân

Xã hội

Sức khoẻ

con người

Môi trường

Đa dạng

sinh học

Năng suất

Hữu cơ

+

+

+

+

Vô cơ

+

Trước nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực, việc lạm dụng phân bón và hoá chất bảo vệ thực vật nhằm nâng cao năng suất cây trồng đang trở thành vấn đề cần được quan tâm cải thiện. Bên cạnh việc bảo đảm mục tiêu anh ninh lương thực, cần chú ý phát triển nền nông nghiệp sạch nhằm đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc canh tác nông nghiệp sạch không những giúp nông dân tiết kiệm chi phí thuốc trừ sâu và phân hoá học đồng thời có thể đa dạng hoá mùa vụ và canh tác theo hướng bền vững. Hơn nữa, nếu nông sản được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ còn có thể xuất khẩu với giá cao hơn.
Hiện nay các loại phân hữu cơ đã được nghiên cứu để xử lý thành phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ nước… có chất lượng cao và an toàn vệ sinh môi trường, góp phần quan trọng trong bảo vệ, tăng cường độ phì của đất, đồng thời tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường nông thôn.

Tác dụng của phân bón hữu cơ với đất và cây trồng.

– Thứ nhất, chất hữu cơ tồn tại xen kẽ với các thành phần kết cấu của đất, tạo ra sự thông thoáng giúp rễ phát triển mạnh nên có cường độ hô hấp tối đa và dễ dàng hấp thu các nguồn dinh dưỡng.
– Thứ hai, chất hữu cơ sẽ lưu giữ các khoáng chất đa, trung, vi lượng từ các loại phân bón hóa học và cung cấp dần cho cây hạn chế được hiện tượng thất thoát phân bón trong quá trình sử dụng, giảm chi phí đáng kể trong SX nông nghiệp, giúp đất giữ ẩm làm cây chống chịu khô hạn tốt hơn.
– Thứ ba, sự hiện diện của chất hữu cơ làm môi trường sống cho các hệ vi sinh có ích, các hệ vi sinh này cân bằng môi trường của hệ sinh thái vì vậy sẽ hạn chế một số đối tượng gây bệnh, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản.

  1. Nguyên nhân hạn chế sử dụng phân bón hữu cơ

Ngoài những ưu điểm thì phân hữu cơ cũng có những nhược điểm như hàm lượng chất dinh dưỡng thấp nên phải bón lượng lớn, đòi hỏi chi phí lớn để vận chuyển và nếu không chế biến kỹ có thể mang đến một số nấm bệnh cho cây trồng, nhất là khi chế biến từ một số loại chất thải sinh hoạt và công nghiệp. Các vi sinh vật gây hại có trong phân bón gồm: E. coli, Salmonella, Coliform là những loại gây nên các bệnh đường ruột nguy hiểm hoặc ô nhiễm thứ cấp do có chứa các kim loại nặng hoặc vi sinh vật gây hại vượt quá mức quy định.

Sản xuất phân vô cơ phát triển, phân vô cơ thay thế và lấn át phân hữu cơ:

Có thể nói, từ khi nền công nghiệp sản xuất phân vô cơ phát triển, thì nền sản xuất nông nghiệp trên thế giới bước sang một thời kỳ mới: các loại phân vô cơ lấn át và chiếm lĩnh vị trí phân hữu cơ trong chế độ cung cấp dinh dưỡng cho hầu hết các loại cây trồng. Lý do rất đơn giản là với nồng độ dinh dưỡng của phân vô cơ rất cao so với phân hữu cơ, nên chỉ cần bón một lượng ít người ta đã thấy có tác dụng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng và năng suất tăng rõ rệt.
Mục tiêu sản xuất nông nghiệp của những năm cuối thế kỷ 20 của nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển là tạo nhiều sản phẩm thông qua năng suất cây trồng. Nhiều quốc gia không cần quan tâm đến vấn đề chất lượng nông sản, bảo vệ độ phì đất, bảo vệ môi trường tự nhiên, những vấn đề quan trọng đối với cuộc sống con người mà nền nông nghiệp vô cơ không thể đáp ứng được, thậm chí còn là nguyên nhân gây tác hại (đất trồng ngày càng chua, bạc màu hóa, chai cứng, chứa nhiều chất độc hại, sinh vật đất bị tổn thương, bị tiêu diệt, nước trong đất bị ô nhiễm vì phân vô cơ và thuốc diệt sâu bệnh, cây trồng nhiễm sâu bệnh nặng, chất lượng nông sản kém, nhiễm độc tố, không ngon…).

Phân hữu cơ đòi hỏi bón với khối lượng lớn, có tác dụng chậm đối với cây trồng:

Phân hữu cơ là các loại chất thải của động vật, người và phế thải cây trồng, khối lượng lớn, vận chuyển cồng kềnh, tốn kém nhân lực. Các chất thải tươi và khi phân giải thường bốc mùi hôi thối, bẩn, chứa nhiều vi trùng mầm bệnh. Hàm lượng dinh dưỡng tính theo trọng lượng phân thấp nên phải sử dụng lượng phân lớn gấp bội so với phân vô cơ sản xuất công nghiệp. Tác dụng của phân hữu cơ cho cây trồng chậm hơn nhiều so với bón phân vô cơ. Vì vậy, trong sản xuất nông nghiệp hiện đại ngày nay, nông dân thường ngại dùng phân hữu cơ, nhất là dạng phân tươi.
Để có thể sử dụng được phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại, phải áp dụng công nghệ xử lý các loại phân hữu cơ tươi thành sản phẩm phân hữu cơ sinh học có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn và đảm bảo vệ sinh môi trường sản xuất. Như vậy, người nông dân phải có nhận thức và có kỹ thuật xử lý phân hữu cơ tươi trước khi dùng. Vấn đề này là một thách thức và hạn chế đối với thói quen thích dùng phân vô cơ và ngại phân hữu cơ của nông dân Việt Nam ngày nay.

  1. Một số giải pháp thúc đẩy phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp bền vững

Thứ nhất, các bộ ngành ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cho sản xuất hữu cơ (tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định chung về hướng dẫn, kiểm tra, giám sát sản xuất và chứng nhận, nhãn hàng hóa hữu cơ…). Xây dựng cơ sở dữ liệu về phân bón nói chung và phân bón hữu cơ nói riêng với các sản phẩm có nhãn hàng hóa có thể truy xuất nguồn gốc. Thiết lập hệ thống công nhận và chứng nhận, giám sát cho sản phẩm hữu cơ trong nước.
Thứ hai
, tăng cường công tác chứng nhận, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản xuất các sản phẩm hữu cơ.
Thứ ba, cần có quy hoạch đối với các địa phương dành diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ và vùng sản xuất lớn chuyên canh cho phát triển hữu cơ.
Thứ tư
, cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho các cơ sở sản xuất, chế biến, các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu phục vụ cho phát triển sản xuất hữu cơ, xác định sản xuất, chế biến hữu cơ là công nghệ cao của khoa học. Đặc biệt trong việc xác định và phát triển sản phẩm chủ lực cho nhu cầu xuất khẩu của hàng hóa nông sản hữu cơ Việt Nam…
Thứ 
năm, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm trong đó có sản xuất hữu cơ, sử dụng sản phẩm hữu cơ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tạo dựng thương hiệu, uy tín về chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, phân phối, kết nối trong chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ; đặc biệt trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cần tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu của tiêu chuẩn hữu cơ; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào. Doanh nghiệp sản xuất cần có các chứng nhận đạt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn hữu cơ, có nhãn hàng hóa hữu cơ để thuận tiện truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho khách hàng, tạo nguồn sản phẩm chất lượng cao, an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…

Bài viết liên quan