Nông nghiệp hữu cơ: Xu hướng của thời đại mới

18/03/2021

Sau gần 30 năm tiến hành đổi mới, nông nghiệp nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, giúp cho đất nước chuyển từ thiếu ăn sang đủ ăn và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh như: lúa gạo, cà phê, tiêu.v.v.

Tuy nhiên, hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức mới về chất lượng nông sản, phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới và tác động của biến đổi khí hậu; thiếu hiểu biết và lạm dụng việc sử dụng phân bón vô cơ trong sản xuất; chưa chú trọng nhiều đến việc phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững thông qua sử dụng phân hữu cơ.v.v. Để giải quyết những vấn đề trên, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ nông nghiệp cấp vĩ mô nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, phát triển nông nghiệp bền vững theo định hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới sản phẩm sạch, an toàn và đạo đức là một trong những ưu tiên hàng đầu.

1. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ 

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là sản xuất theo nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn Quốc tế IFOAM (www.ifoam.org) với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Đó là phương pháp nuôi, trồng rau quả, thực phẩm mà không sử dụng bất cứ một loại hoá chất độc hại nào, như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hoá chất cũng như các loại phân hoá học, sản xuất hữu cơ chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Sản xuất hữu cơ, cội nguồn của thực phẩm sạch, an toàn và đạo đức

Các nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ:

Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết sự tăng trưởng của cây trồng, và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.

Các nông dân canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ dựa tối đa vào việc quay vòng mùa vụ, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật và việc canh tác cơ giới để duy trì năng suất đất để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, và kiểm soát cỏ dại, côn trùng và các loại sâu bệnh khác.

Mục đích hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của các cộng đồng độc lập về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người.

  1. Vai trò của nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Theo tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế IFOAM:

– Duy trì sức khỏe của hệ sinh thái, các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người trong canh tác, chế biến, phân phối và tiêu dùng;

– Cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm cho các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại, và có chất lượng cao.v.v. Ngoài ra còn đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng các vụ mùa và các loại vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương;

– Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững.

  1. Bối cảnh, thách thức và cơ hội của nền nông nghiệp hữu cơ

3.1. Bối cảnh và thách thức

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 170 quốc gia canh tác theo hướng nông nghiệp hữu cơ để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn và đạo đức; các quốc gia này được phân bố rộng khắp trên các châu lục với tổng diện tích lên tới 43,1 triệu ha. Trong đó, diện tích canh tác của châu Úc là 17,3 triệu ha (chiếm 40%), châu Âu là 11,5 triệu ha (chiếm 27%), châu Mỹ La Tinh là 6,6 triệu ha (chiếm 15%) châu Á là 3,4 triệu ha (chiếm 8%), khu vực Bắc Mỹ và Caribe là 3,0 triệu ha (chiếm 7%), châu Phi là 1,2 triệu ha (chiếm 3%). Trong đó, quốc gia có diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ lớn nhất là Australia, với diện tích lên tới 17,3 triệu ha; tiếp đến là Argentina với diện tích là 3,2 triệu ha.v.v.(FiBL, 2015).

 

Bản đồ phân bố; tốc độ tăng trưởng diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ (FiBL, 2015)

 

Theo thống kê của IFOAM về diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ thế giới từ năm 1999 đến năm 2013 cho thấy, sau khoảng 14 năm, diện tích canh tác đã tăng lên gần 4 lần (năm 1999, diện tích là 11 triệu ha; đến năm 2013 diện tích đã tăng lên tới 43,1 triệu ha); đặc biệt trong những năm gần đây, ví như từ năm 2012 đến hết năm 2013, diện tích tăng thêm là 5,6 triệu ha. Điều này cho thấy, con người ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm sạch, an toàn và đạo đức hay có thể nói đây chính là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp thúc đẩy nền nông nghiệp hữu cơ thế giới cả về chất và lượng.

Đối với nền nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam, mặc dù đã được hình thành từ cuối những năm 1990, tuy nhiên đến nay vẫn còn khá khiêm tốn và có nhiều thách thức như:

– Nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế. Mọi người chưa hiểu được lợi ích của nông nghiệp hữu cơ và cho rằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ kém năng suất;

– Thói quen sử dụng hóa chất khi sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm qua đã khiến một bộ phận người sản xuất không đủ kiên định để bỏ thói quen đó và hướng tới nền nông nghiệp an toàn;

– Tài chính cũng là một vấn đề của phát triển nông nghiệp hữu cơ. Trên thực tế, trong một vài năm đầu thực hiện nông nghiệp hữu cơ chưa đưa lại năng suất và lợi nhuận tối đa, người dân vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác vì lo sợ những rủi ro nếu không có chính sách hỗ trợ của nhà nước. Bởi vậy, Chính phủ rất cần ban hành một chuỗi hỗ trợ chính sách để phát triển nông nghiệp hữu cơ;

– Chưa có hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả, chưa có hệ thống chứng nhận chất lượng sản phẩm hữu cơ cấp nhà nước. Từ đó chưa có được sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng cũng như người trồng sẽ bị thiệt thòi về giá cả khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Vì vậy, vấn đề then chốt là cần tạo lập được một cơ quan đủ tư cách pháp nhân, đủ năng lực để chứng nhận được chất lượng sản phẩm hữu cơ;

Mặc dù, Chính phủ và các cơ quan chuyên môn bước đầu cũng đã quan tâm đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, nhận thức và quan điểm về nông nghiệp hữu cơ hiện nay vẫn chưa đồng nhất.

3.2. Cơ hội đối với nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

– Nhận thấy vai trò của nền nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn mới, Chính phủ đã và đang ban hành các chính sách để hỗ trợ và phát triển liên quan;

– Tư duy, thói quen về nông nghiệp hữu cơ về việc sản xuất và tiêu dùng các các thực phẩm sạch, an toàn, thực phẩm có đạo đức đã có nhiều chuyển biết;

– Xã hội ngày càng quan tâm nhiều hơn tới sản xuất thực hành nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ cùng mối liên kết 4 nhà, phát triển bền vững theo chuỗi giá trị, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay;

– Bên cạnh đó, trong thời gian qua Việt Nam đã ký các hiệp định song phương về pháp triển kinh tế-xã hội như: TTP, ATC, PPP.v.v. đây là cơ hội mở ra một thế giới phẳng giúp thúc đẩy sự phát triển nền nông nghiệp nói chung, đặc biệt là nền nông nghiệp hữu cơ nói riêng trong thời kỳ mới.v.v.

Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng có thể khẳng định xu hướng phát triển các sản phẩm hữu cơ để tạo ra những nguồn thực phẩm sạch, an toàn và đạo đức tiến tới nâng cao chất lượng cuộc sống của con người là xu hướng của thời đại mới.

Thời gian gần đây, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia đã phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, Công ty TNHH Viko Energy.v.v. tiến hành “Xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp định hướng hữu cơ theo chuỗi giá trị, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam”, với mục tiêu:

– Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và cơ sở dữ liệu trên toàn chuỗi cung ứng, hình thành mạng lưới chuỗi liên kết phát triển sản phẩm (vùng, miền, quốc gia);

– Tạo nguồn nông sản sạch, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới;- Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đáp ứng hội nhập Quốc tế, đồng thời mở ra cánh cửa giao thương, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy chuỗi liên kết bốn nhà và toàn xã hội cùng hướng tới một nền nông nghiệp sạch, vì sức khỏe của cộng đồng và lợi ích Quốc gia.

Bài viết liên quan