Hiểu hết quy định về phân bón, đủ tư liệu làm tiến sĩ?

18/03/2021

Lịch sử phức tạp

Để có thể hình dung và hiểu cơ bản ngành phân bón Việt Nam hiện nay, phải quay lại thời điểm cách đây hơn một thập kỷ khi ngành này được quản lí, sau đó lần theo quá trình thăng trầm, thay đổi từ đơn vị quản lí này sang đơn vị quản lí khác, từ nhiệm kỳ Chính phủ trước sang nhiệm kỳ Chính phủ sau.

Trước 2003, ngành phân bón thuộc quản lí của Bộ KH- CN và MT (nay là Bộ KH- CN). Song do Bộ KH- CN và MT không có nhân lực để thanh, kiểm tra, xử lí mặt hàng phân bón trên thị trường nên đến năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định 113 về quản lí phân bón giao Bộ NN-PTNT là đơn vị chủ trì.

Lúc này, ngành phân bón Việt Năm vẫn khá sơ khai khi trên thị trường chủ yếu lưu hành các loại phân đơn như đạm, lân, kali… với nguồn cung hạn chế bởi đa phần phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Năm 2005, Luật Doanh nghiệp ra đời và bắt đầu có hiệu lực với điểm nhấn lịch sử là doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Thêm vào đó năm 2006 Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngành phân bón trong nước bắt đầu bùng nổ cùng với sự bứt phá của các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Lúc này, Nghị định 113 về quản lí phân bón dần bộc lộ những bất cập và không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội nên đơn vị quản lí phân bón lúc bấy giờ là Bộ NN-PTNT tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 113 về quản lí phân bón và thay thế bằng Nghị định 191 năm 2007.

Từ đó, phân bón được quản lí theo danh mục và là ngành sản xuất kinh doanh không cần điều kiện. Theo đó, doanh nghiệp tự sản xuất, công bố các sản phẩm phân bón nằm trong danh mục do Bộ NN-PTNT ban hành nếu sản phẩm đó có tổng hàm lượng dinh dưỡng từ 18% trở lên. Cơ quan quản lí nhà nước chỉ thực hiện nhiệm vụ thanh tra, hậu kiểm.

Riêng các sản phẩm phân bón hữu cơ, vi sinh, phân bón lá… và những sản phẩm phân bón có tổng hàm lượng dinh dưỡng cộng lại dưới 18% mới phải tiến hành khảo kiểm nghiệm trước khi được đưa vào danh mục cũng như lưu hành trên thị trường.

Đây chính là thời kỳ “hoàng kim” của ngành phân bón, đặc biệt là sự bùng nổ các nhà máy sản xuất NPK, phân trung vi lượng, chất cải tạo đất, chất phụ gia, chất điều hòa sinh trưởng… khi các sản phẩm này lần đầu tiên được đưa vào danh mục phân bón.

Chẳng thế mà chỉ sau thời gian ngắn, số lượng các doanh nghiệp phân bón từ vài chục nhanh chóng tăng lên 500 rồi 700 doanh nghiệp và trên 5.000 danh mục sản phẩm phân bón NPK, trung vi lượng khác nhau. Trong đó, riêng ở TP.HCM chiếm trên 70% số doanh nghiệp phân bón với con số xấp xỉ 500 đơn vị.

Giai đoạn này, ngành phân bón bắt đầu mất kiểm soát khi có quá nhiều doanh nghiệp ra đời, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nhái nhãn mác tràn lan trên thị trường ở mức báo động, tiềm ẩn nguy cơ, hậu họa khó lường.

Trước yêu cầu cấp bách của thực tiễn, Chính phủ yêu cầu Bộ NN-PTNT tiến hành sửa đổi thay thế Nghị định 191 theo hướng siết chặt lại hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón.

Nhưng sau khoảng 13 đến 15 lần dự thảo cũng như tổ chức lấy ý kiến phần lớn các doanh nghiệp mất gần 3 năm, Chính phủ không đồng ý và quyết định chuyển việc soạn thảo, sửa đổi Nghị định 113 và 191 về quản lí phân bón từ Bộ NN-PTNT sang Bộ Công thương.

Khổ một nỗi, Bộ Công thương lúc bấy giờ như “tờ giấy trắng” về quản lí phân bón khi kinh nghiệm hạn chế, nhân lực chuyên môn yếu, phương tiện thiếu.

Nhưng trước áp lực quá lớn từ Chính phủ, từ thực tiễn nên Nghị định 202 về quản lí phân bón do Bộ Công thương chủ trì phối hợp Bộ NN-PTNT soạn thảo chính thức ra đời ngày 27/11/2013, song gặp phải nhiều phản ứng từ các nhà chuyên môn vì quá nhiều bất cập.

“Nhạc trưởng” là Bộ Công thương

Theo Nghị định 202, Chính phủ thống nhất quản lí nhà nước về phân bón. Trong đó, Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lí nhà nước về phân bón và quản lý trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chất lượng phân bón vô cơ. Bộ NN-PTNT quản lí sản xuất, kinh doanh, chất lượng phân bón hữu cơ và phân bón khác.

Trên thực tế, theo thống kê hiện mỗi năm ngành nông nghiệp Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Trong đó, chiếm 90% là phân bón vô cơ và khoảng 10% là phân bón hữu cơ, phân bón khác. Số liệu trên cho thấy vai trò và trách nhiệm của ngành Công thương trong quản lí phân bón là vô cùng nặng nề.

Bên cạnh việc thay đổi cơ quan quản lí, đầu mối chịu trách nhiệm chung về phân bón trước Chính phủ, Nghị định 202 cũng thay đổi cơ bản phương thức quản lí phân bón.

Thứ nhất, phân bón được chuyển từ ngành nghề sản xuất, kinh doanh không điều kiện sang có điều kiện. Tức ngoài Giấy đăng ký kinh doanh do Sở KH- ĐT cấp, doanh nghiệp phải có thêm giấy phép do các Bộ chuyên ngành (Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT) cấp mới được phép lưu hành sản phẩm trên thị trường.

Đi kèm giấy phép sản xuất, kinh doanh phân bón là những yêu cầu, quy định từ đất đai, môi trường, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nhân lực, phân tích, quy mô, sản lượng…

Thứ hai, các sản phẩm phân bón trước đây được quản lí theo danh mục nay chuyển sang quản lí theo Quy chuẩn tiêu chuẩn theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2007.

Trong đó quy định, sản phẩm trước khi đưa ra thị trường phải công bố hợp chuẩn, hợp quy tại những đơn vị chứng nhận được chỉ định.

Bên cạnh đó, Nghị định 202 cũng “rộng lượng” cho thời hạn 2 năm chuyển tiếp để các doanh nghiệp phân bón hoàn thiện các tiêu chí, thủ tục theo quy định để được cơ quan chuyên ngành cấp phép sản xuất cũng như chứng nhận cho phép lưu hành sản phẩm trên thị trường. Hạn cuối cùng với doanh nghiệp là ngày 1/2/2016.

 Sau đó, nếu đơn vị nào không có giấy phép sẽ phải tạm dừng hoạt động cho tới khi nào hoàn thiện và đáp ứng được yêu cầu theo quy định.

Từ thực tế cho thấy, thời hạn 2 năm gia hạn trong Nghị định 202 chính là “điểm mù” về quản lí phân bón bởi không có cơ quan nào quản lí. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vi phạm mang tính hệ thống mà chúng tôi xin phép được đề cập chi tiết ở bài sau.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp phân bón, nhà khoa học nghiêm túc gợi ý rằng, nếu ai tìm hiểu, nghiên cứu và hiểu thấu đáo được các văn bản quy phạm pháp luật về quản lí phân bón ở Việt Nam hiện nay, hoàn toàn đủ tư liệu để làm một luận án tiến sĩ có ý nghĩa hơn rất nhiều mấy đề tài tiến sĩ ở Viện Xã hội vốn gây ồn ào dư luận thời gian qua.


Nguồn: nongnghiep.vn
 

Bài viết liên quan