BÓN PHÂN HỢP LÝ CHO CÂY TRỒNG

18/03/2021
  1. Thế nào là bón phân hợp lý

 

   Bón phân hợp lý là sử dụng lượng phân bón thích hợp cho cây đảm bảo tăng năng suất cây trồng với hiệu quả kinh tế cao nhất, không để lại các hậu quả tiêu cực lên nông sản và môi trường sinh thái. Nói một cách ngắn gọn, bón phân hợp lý là thực hiện 5 đúng và một cân đối:

 

  1. Đúng loại phân:

Cây cần phân gì bón đúng loại phân đó. Phân có nhiều loại. Mỗi loại có những tác dụng riêng. Bón không đúng loại phân không những phân không phát huy được hiệu quả, mà còn có thể gây ra những hậu quả xấu.

   Bón đúng loại phân không những phải tính cho nhu cầu của cây mà còn phải tính đến đặc điểm và tính chất của đất. Đất chua không bón các loại phân có tính axit. Ngược lại, trên đất kiềm không nên bón các loại phân có tính kiềm.

 

  1. b) Bón đúng lúc:

Nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng của cây thay đổi tuỳ theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có nhiều giai đoạn sinh trưởng cây cần đạm nhiều hơn kali, có nhiều giai đoạn cây cần kali nhiều hơn đạm. Bón đúng thời điểm cây cần phân mới phát huy được tác dụng.

    Cây trồng cũng như các loài sinh vật khác, có nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng thường xuyên, suốt đời. Vì vậy, để cho cây có thể sử dụng tốt các loại phân bón, tốt nhất là chia ra bón nhiều lần và bón vào lúc cây hoạt động mạnh. Bón tập trung vào một lúc với nồng độ và liều lượng phân bón quá cao, cây không thể sử dụng hết được, lượng phân bị hao hút nhiều, thậm chí phân còn có thể gây ra những tác động xấu đối với cây.

 

  1. Bón đúng đối tượng:

Trong cách hiểu thông thường bón phân là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Vì vậy, đối tượng của việc bón phân là cây trồng.

     Tuy vậy, thực tế cho thấy, một lượng khá lớn chất dinh dưỡng của cây, nhất là các nguyên tố vi lượng, cây được tập đoàn vi sinh vật đất cung cấp thông qua việc phân huỷ các chất hữu cơ hoặc cố định từ không khí. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy bón phân để kích thích và tăng cường hoạt động của tập đoàn vi sinh vật đất cho phép cung cấp cho cây một lượng chất dinh dưỡng dồi dào về số lượng và tương đối cân đối về các chất. Trong trường hợp này thay vì bón phân nhằm vào đối tượng là cây trồng, có thể bón phân nhằm vào đối tượng là tập đoàn vi sinh vật đất.

    Trong một số trường hợp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt tạo nên nguồn thức ăn dồi dào cho sâu bệnh tích luỹ và gây hại nặng. Càng bón thêm phân, cây lại sinh trưởng thêm, sâu bệnh lại phát sinh nhiều hơn và gây hại nặng hơn. Ở những trường hợp này, bón phân cần nhằm đạt mục tiêu là ngăn ngừa sự tích luỹ và gây hại của sâu bệnh.

     Bón phân trong một số trường hợp có tác dụng làm tăng khả năng chống chịu của cây trồng đối với các điều kiện không thuận lợi trong môi trường và với sâu bệnh gây hại. Đặc biệt các loại phân kali phát huy tác dụng này rất rõ. Như vậy, bón phân không phải lúc nào cũng là để cung cấp thêm chất dinh dưỡng, thúc đẩy sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Có những trường hợp phải tác động theo chiều hướng ngược lại: cần kìm hãm bớt tốc độ tăng trưởng và phát triển của cây trồng, làm tăng tính chống chịu của chúng lên.

    Ở phần trên đã trình bày là trong các hệ sinh thái, tồn tại và hoạt động 3 nhóm các mối liên hệ: thông tin, năng lượng và vật chất.

    Trong các mối liên hệ này, liên hệ vật chất có liên quan đến việc vận động, chuyển hoá một khối lượng vật chất lớn. Các mối liên hệ thông tin và năng lượng trong nhiều trường hợp chỉ cần những tác động nhẹ với những lượng vật chất không lớn có thể tạo ra những phản ứng và hiệu quả lớn. Bón phân là đưa vào hệ sinh thái nông nghiệp những yếu tố mới và có tác động lên các mối liên hệ. Cho đến nay, trong việc bón phân người ta chỉ mới chú ý đến các mối liên hệ vật chất, đến trao đổi chất. Trong thực tế, phân bón có thể có những tác động sâu sắc trong các mối liên hệ thông tin và năng lượng. Phát hiện được tác dụng của phân bón lên các mối liên hệ thông tin và năng lượng, có thể với lượng phân bón không nhiều, tạo ra những hiệu quả to lớn và tích cực trong việc tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường sinh thái.

    Như vậy, đối tượng của phân bón không chỉ có cây trồng, tập đoàn vi sinh vật đất, mà còn có cả toàn bộ các thành tố cấu thành nên hệ sinh thái nông nghiệp. Chọn đúng đối tượng để tác động, có thể mở ra những tiềm năng to lớn trong việc nâng cao hiệu quả của phân bón.

 

  1. Đúng thời tiết, mùa vụ

   Thời tiết có ảnh hưởng đến chiều hướng tác động và hiệu quả của phân bón. Mưa làm rửa trôi phân bón gây lãng phí lớn. Nắng gắt cùng với tác động của các hoạt động phân bón có thể cháy lá, hỏng hoa, quả. 

    Trong điều kiện khí hậu, thời tiết và sản xuất của nước ta đối với các loại cây ngắn ngày, mỗi năm có 3 – 4 vụ, thậm chí 8 – 9 vụ sản xuất. Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây trồng ở từng vụ có khác nhau, cho nên nhu cầu đối với các nguyên tố dinh dưỡng cũng như phản ứng đối với tác động của từng yếu tố dinh dưỡng cũng khác nhau.

    Lựa chọn đúng loại phân, dạng phân và thời vụ bón hợp lý có thể nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón. Việc sử dụng đúng các loại phân phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết mùa vụ đã được trình bày một phần ở phần II của sách này.

 

  1. Bón đúng cách

   Có nhiều phương pháp bón phân: bón vào hố, bón vào rãnh, bón rải trên mặt đất, hoà vào nước phun lên lá, bón phân kết hợp với tưới nước, v.v…

    Có nhiều dạng bón phân: rắc bột, vo viên dúi vào gốc, pha thành dung dịch để tưới.

    Có nhiều thời kỳ bón phân: bón lót, bón thúc đẻ nhánh, thúc ra hoa, thúc kết quả, thúc mẩy hạt, v.v…

    Lựa chọn đúng cách bón thích hợp cho loại cây trồng, cho vụ sản xuất, cho loại đất, v.v… có thể làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón lên gấp nhiều lần.

    Cách bón thích hợp vừa đảm bảo tăng năng suất cây trồng, tăng hiệu quả phân bón, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng cơ sở sản xuất, phù hợp với từng trình độ của người nông dân.

 

  1. Bón phân cân đối

   Cây trồng có yêu cầu đối với các chất dinh dưỡng ở những lượng nhất định với những tỷ lệ nhất định giữa các chất. Thiếu một chất dinh dưỡng nào đó, cây sinh trưởng và phát triển kém, ngay cả những khi có các chất dinh dưỡng khác ở mức thừa thãi.

    Các nguyên tố dinh dưỡng không chỉ tác động trực tiếp lên cây mà còn có ảnh hưởng qua lại trong việc phát huy hoặc hạn chế tác dụng của nhau.

    Đối với mỗi loại cây trồng có những tỷ lệ khác nhau trong mức cân đối các yếu tố dinh dưỡng. Tỷ lệ cân đối này cũng thay đổi tuỳ thuộc vào lượng phân bón được sử dụng. Tỷ lệ cân đối giữa các nguyên tố dinh dưỡng cũng khác nhau ở các loại đất khác nhau.

    Điều cần lưu ý là không được bón phân một chiều, chỉ sử dụng một loại phân mà không chú ý đến việc sử dụng các loại đất khác.

    Bón phân không cân đối không những không phát huy được tác dụng tốt của các loại phân, gây lãng phí mà còn có thể gây ra những tác dụng không tốt đối với năng suất cây trồng và đối với môi trường.

    Bón phân cân đối có các tác dụng tốt là:

   – Ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của chất, bảo vệ đất chống rửa trôi, xói mòn.

   – Tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả của phân bón và của các biện pháp kỹ thuật canh tác khác.

   – Tăng phẩm chất nông sản.

   – Bảo vệ nguồn nước, hạn chế chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.

 

  1. Mười nguyên tắc đảm bảo cho sử dụng phân bón hợp lý

 

   Một là:

Bón phân hợp lý cho cây là tìm mọi cách để phối hợp tốt với thiên nhiên để tạo ra sản phẩm có ích cho con người, chứ không phải là chinh phục, là áp đặt ý muốn của con người lên thiên nhiên.

Nông sản là sản phẩm của quá trình chu chuyển vật chất trong thiên nhiên, cho nên con người muốn thu hút được nhiều nông sản thì cần nắm bắt được các quy luật chuyển hoá vật chất và tác động làm cho quá trình chu chuyển vật chất diễn ra với quy mô lớn, cường độ mạnh, tốc độ nhanh.

Bón phân là để tác động lên quá trình chu chuyển vật chất trong tự nhiên. Việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng không hoàn toàn là để cây trực tiếp tạo ra nông sản mà là để phối hợp tốt với thiên nhiên tạo ra sản phẩm trong quá trình chu chuyển vật chất.

 

   Hai là:

Đối với thiên nhiên mọi tác động chỉ cần vừa đủ, mọi thứ thừa hay thiếu đều gây hại cho mọi hoạt động bình thường của nó.

    Theo cảm tính, nhiều người cho rằng cái gì đã tốt thì càng nhiều càng tốt, cái gì đã xấu thì càng nhiều càng xấu.

    Bón phân quá nhiều hoặc với liều lượng cao đều gây tai hại cho cây, thậm chí làm cho cây chết. Nguyên tố đồng (Cu) là phân vi lượng đối với cây, nhưng phun với nồng độ cao (trên 1%) làm cho lá cây bị cháy. Trong việc bón phân cho cây, điều quan trọng là không những không để cây bị thiếu đói, mà phải không bón thừa bất cứ chất dinh dưỡng nào cho cây.

    Cần lưu ý là sức chịu đựng cũng như mức độ tiếp thu các tác động từ bên ngoài của các bộ phận trên cây rất khác nhau. Đối với một loại phân bón, có thể đối với bộ phận này là thừa nhưng đối với bộ phận khác lại là chưa đủ. Chính vì thế mà có những loại hoá chất chỉ có thể bón cho cây vào đất mà không thể phun lên lá được.

    Điều đáng chú ý là cho đến nay, trồng trọt, do tâm lý sợ thiếu cho nên người nông dân đã làm nhiều việc quá thừa, trong khi đó nhiều việc cần làm lại không biết làm.

    Nếu có những hiểu biết đầy đủ hơn về cây trồng, hiểu được những nhu cầu của cây và con đường mà thiên nhiên thường đáp ứng nhu cầu cho nó, hiểu được các mối quan hệ giữa các loài sinh vật trong hệ sinh thái, con người có thể tiết kiệm được bao nhiêu việc làm thừa đồng thời chỉ cần tiến hành những việc làm thật hợp lý để đạt được những khối lượng nông sản lớn.

 

   Ba là:

Thiên nhiên còn nhiều điều mà con người chưa biết hết, vì vậy không được chủ quan khi sử dụng phân bón.

    Khoa học ngày càng phát triển nhanh, thành tựu khoa học ngày càng nhiều nhưng con đường khám phá thiên nhiên đang còn dài và còn nhiều quanh co khúc khuỷu. Thái độ chủ quan, cho rằng chúng ta đã có những hiểu biết quá đủ là không phù hợp, là có thể dẫn đến những sai lầm.

    Điều đáng lo ngại là con người coi thường những gì chưa biết trong thiên nhiên và cho  rằng những gì khoa học đã biết đủ cho con người hoạt động theo ý muốn của  mình. Nhiều thất bại trong sản xuất có nguồn gốc từ sự ngộ nhận này. 

    Để có thể bón phân hợp lý, cần thường xuyên quan sát và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất. Kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều năm kết hợp với những hiểu biết khoa học, những kết quả của nghiên cứu khảo nghiệm giúp chúng ta ngày càng nâng cao mức độ hợp lý của việc bón phân.

 

   Bốn là:

Trong thiên nhiên sống, các loài sinh vật tồn tại và phát triển trong các mối liên hệ chặt chẽ với nhau và với thế giới không phải sinh vật.

    Các kết quả nghiên cứu khoa học được tiến hành trong các phòng thí nghiệm, trong các chậu vại, trong các ô thí nghiệm thường rất xa so với điều kiện môi trường sống của cây trên đồng ruộng. Nhiều trường hợp, muốn có được kết quả như đã thu được trong phòng thí nghiệm người ta phải đầu tư rất tốn kém để tạo được môi trường và điều kiện tương tự như trong phòng thí nghiệm. Khi không có được những điều kiện này, các kết quả khoa học thường phát huy tác dụng rất kém, thậm chí còn làm nảy sinh nhiều vấn đề và người nông dân lại phải lao theo để giải quyết. Như thế, phải làm thừa ra bao nhiêu việc mà đáng lẽ không phải làm.

    Thực tế cho thấy: những phương pháp bón phân nào mà không chú ý đến các loài sinh vật khác trên đồng ruộng, không chú ý đến các loài sinh vật khác trên đồng ruộng, không chú ý đến các mối quan hệ chằng chịt giữa chúng với nhau, thì đó chỉ là những việc làm vô nghĩa và có khi có hại.

 

   Năm là:

Khoa học phân bón giúp ta bón phân hợp lý, tuy vậy nếu quá chuyên biệt trong lĩnh vực này sẽ làm cho kiến thức hiểu biết của ta về thiên nhiên trở nên manh mún và có nguy cơ dẫn đến thất bại.

    Các ngành khoa học ngày càng chuyên hoá để đi sâu tìm hiểu kỹ đối tượng nghiên cứu. Người ta đã chú ý đến tình trạng này và thấy được nguy cơ của siêu hình. Vì vậy, đã có nhiều cố gắng để liên kết các ngành khoa học, nói đến những khoa học liên ngành.

    Tuy nhiên, việc bón phân hợp lý để tạo ra năng suất cây trồng cao, bảo vệ tốt môi trường không chỉ đơn thuần là sự liên kết, sự giao thoa, sự liên ngành của một số lĩnh vực khoa học khác nhau, mà là sự tìm tòi nghiên cứu trong một lĩnh vực khoa học mà đối tượng của nó là sự sống, là quá trình tạo thành năng suất kinh tế. Đây là một loại đối tượng tổng hợp mà càng chia nhỏ ra càng chuyên biệt hoá, càng đi xa khỏi bản chất của đối tượng nghiên cứu. 

 

   Sáu là:

Trong các hệ sinh thái, mỗi tác động từ bên ngoài đưa vào hệ, thường tạo ra những phản ứng dây chuyền, lan rộng ra trong không gian theo các mạng lưới dinh dưỡng, năng lượng, thông tin, v.v… và kéo dài theo thời gian, cho đến khi toàn bộ hệ sinh thái thiết lập được trạng thái cân bằng mới.

    Mỗi hiện tượng xảy ra trong hệ sinh thái đều là kết quả của nhiều nguyên nhân, mặt khác một nguyên nhân có thể dẫn tới những kết quả khác nhau.

    Từ một hiện tượng là năng suất cây trồng có thể có một chuỗi các nguyên nhân và kết quả với 7 bậc nhân – quả (xem sơ đồ 3) khác nhau. Trong thực tế, một hiện tượng xảy ra có thể có nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân này lại có những nguyên nhân khác đi trước trong một mạng lưới các sự kiện và yếu tố đan chéo nhau toả ra đến vô tận.

 

 Bón phân cũng như những biện pháp kỹ thuật canh tác khác nhau, thường không chỉ gây ra một tác động trực tiếp dẫn đến một kết quả nào đó mà thường có nhiều tác động lên các thành tố trong hệ sinh thái và có thể dẫn đến những kết quả khác nhau, trong đó có thể có những kết quả mà con người không ngờ tới.

   Do đặc điểm của quá trình phản ứng dây chuyền và quá trình tiếp nhận các tác động từ bên ngoài vào các  hệ sinh thái mà có thể có những tác động rất mạnh nhưng không gây ra hiệu quả gì đáng kể, trong khi đó, có những tác động nhẹ nhàng, nhưng được nhân lên trong phản ứng dây chuyền và tạo nên những hiệu quả rất lớn.

    Bón phân hợp lý có thể không cần sử dụng những lượng phân bón mà có thể đạt được hiệu quả rất cao.

 

   Bảy là:

 Đối với thiên nhiên không có cái gì là tốt, cũng không có cái gì là xấu.

    Con người phân biệt ra trong thiên nhiên có cái tốt, cái xấu. Tốt xấu ở đây được đánh giá trên cơ sở lợi ích của con người. Từ việc phân chia các sự vật và hiện tượng thành 2 nhóm tốt và xấu, con người thường cố công để loại trừ, tiêu diệt những cái xấu và nhân lên, tăng thêm những cái tốt, với hy vọng là thu được lợi ích lớn. Đối với thiên nhiên, mọi thứ đều có vị trí của nó và cần thiết cho sự hài hoà và phát triển. Bằng các tác động đưa thêm các cái “tốt” và loại bỏ các cái “xấu” con người đã phá vỡ cân bằng trong các hệ sinh thái. Và như vậy, các tác động của con người đã thúc đẩy hoạt động của cơ chế điều tiết của hệ sinh thái để thiết lập trạng thái cân bằng. Với hoạt động của cơ chế này, những tác động của con người bị trung hoà và bị triệt tiêu. Hy vọng thu được lợi ích lớn không những không đạt được, mà những đảo lộn trong hệ sinh thái có thể dẫn đến nhiều hiệu quả tiêu cực.

    Bón phân, con người nghĩ rằng đó là đưa điều tốt đến cho cây, vì vậy càng nhiều càng tốt. Thế nhưng hiệu quả của việc bón phân chỉ có thể thu được khi bón hợp lý, có nghĩa là phù hợp với hoạt động bình thường của hệ sinh thái nông nghiệp. Bón phân không hợp lý sẽ gặp phải phản ứng chống lại của hệ sinh thái đồng ruộng và chỉ có thể dẫn đến những hậu quả xấu.

Tám là:

 Trong nông nghiệp, không thể cải thiện thể hữu cơ thống nhất. chỉ bằng cách thay thế từng bộ phận của thể đó.

   Cây trồng, hệ sinh thái nông nghiệp là những hệ thống thống nhất và hoàn chỉnh. Trong hệ thống đó mỗi bộ phận đều có vị trí và chức năng của mình. Mỗi bộ phận trong hệ thống được quy định không những chỉ phụ thuộc vào các yếu tố bên trong bộ phận đó, mà còn phụ thuộc vào các bộ phận kế cận, các bộ phận xung quanh và vào toàn bộ hệ thống.

   Bón phân cho cây trồng chúng ta muốn tăng chất dinh dưỡng cho cây để tạo ra nhiều sản phẩm cho con người. Tuy nhiên cây trồng là một bộ phận của hệ sinh thái đồng ruộng. Chúng ta không thể cải thiện một bộ phận của hệ sinh thái là cây trồng mà không tính gì đến các bộ phận khác của hệ sinh thái đó. Nhiều trường hợp bón phân không mang lại kết quả là do chúng ta gặp phải những phản ứng điều tiết của hệ sinh thái.

   Bón phân hợp lý là có tính toán đầy đủ đến các yếu tố trong hệ sinh thái, tạo sự hài hoà trong toàn bộ hệ sinh thái đồng ruộng đồng thời thúc đẩy các hoạt động của toàn bộ hệ sinh thái hướng tới việc tạo ra năng suất cao.

   Chín là:

Nền nông nghiệp tiến bộ phải là nền nông nghiệp nuôi dưỡng được con người cả thể xác lẫn tinh thần.

   Bón phân là để làm tăng năng suất cây trồng. Năng suất đó phải đáp ứng được nhu cầu của con người. Vì vậy, nếu phân bón còn để lại dư lượng trong nông sản, nếu trong nông sản có nhiều NO3, nhiều kim loại nặng thì nông sản không đáp ứng được nhu cầu của con người.

   Phân bón có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nông sản. Đối với các sản phẩm cây công nghiệp, cây dược liệu, cây hương liệu, cây tinh dầu v.v… bón phân không hợp lý có thể làm giảm phẩm chất nông sản rất đáng kể.

   Phân bón có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cất giữ, bảo quản và chuyên chở nông sản. Sản phẩm rau quả chứa nhiều đạm, nhiều nước rất chóng bị hỏng.

   Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của con người về vật chất, nông nghiệp còn đáp ứng nhu cầu của con người được lao động, được tiếp xúc với thiên nhiên, được khám phá những điều bí ẩn của tự nhiên. Bón phân không hợp lý thường để lại trong môi trường đất, nước, không khí những dư lượng phân bón có ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ, đến tâm trạng con người. Càng ngày việc thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần của con người càng tăng lên. Vai trò của nông nghiệp trong việc đảm bảo ổn định cuộc sống, ổn định xã hội cũng ngày một được nâng cao.

   Bón phân hợp lý không những phát huy đến mức cao hiệu quả của phân bón mà còn đảm bảo cho môi trường trong lành và thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng tiến bộ.

   Mười là:

Cần có cách nhìn toàn diện, đừng để bị hoàn cảnh lung lạc.

   Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, khi tiếp xúc với bất kỳ loại cây trồng nào cũng không thể tách rời chúng ra khỏi điều kiện sống của nó mà phải có cách nhìn toàn diện và đặt đúng vị trí của nó trong hệ sinh thái đồng ruộng. Thông thường người làm nông nghiệp chỉ biết có cây trồng mà quên mất cây trồng tồn tại và phát triển trong hệ sinh thái.

   Kết quả của sản xuất nông nghiệp thường chịu ảnh hưởng rất lớn của điều kiện cụ thể từng địa phương cũng như điều kiện khí hậu thời tiết của từng năm. Người nông dân thường lấy kinh nghiệm sản xuất của năm nay để áp dụng cho năm sắp tới.

   Như vậy, việc tiến hành sản xuất nông nghiệp của nông dân thường chịu ảnh hưởng của cái nhìn hẹp và ngắn.

   Muốn đạt được kết quả tốt, người nông dân cần có cái nhìn toàn diện đồng thời cần biết cách thoát ra khỏi hoàn cảnh cụ thể của một năm sản xuất, không để cho hoàn cảnh lung lạc mình và phải có cách nhìn vượt lên trên không gian và thời gian, cố gắng đi vào bản chất của các hiện tượng. Cách nhìn này không phải là không dựa trên cơ sở thực tế mà là cách nhìn xuyên sâu vào bản chất của thực tế, làm cho thực tế hiện rõ lên, không bị những nhiễu loạn nhất thời làm che mất bản chất.

   Bón phân hợp lý là tìm ra những kết luận từ việc phân tích toàn diện hệ sinh thái nông nghiệp, phân tích thực chất các hiện tượng đã diễn ra, dự báo những hiện tượng và trạng thái có thể xuất hiện trong vụ tới để đề ra giải pháp bón phân mang lại hiệu quả cao nhất về kinh tế, xã hội cũng như môi trường.

 

  1. Làm giàu thông qua bón phân hợp lý

 

  1. Nâng cao giá trị sản xuất thu được trên đơn vị diện tíchlà một trong những cách làm giàu của nông dân. Giá trị tạo được trên từng đơn vị diện tích có thể được thực hiện thông qua đa dạng hoá sản phẩm, lựa chọn cơ cấu cây trồng hợp lý và tăng năng suất tất cả các loại cây trồng trong cơ cấu.

   Bón phân hợp lý góp phần tăng thu nhập cho nông dân, tạo điều kiện làm giàu cho nông dân trên cơ sở các ưu điểm sau đây:

   – Tạo cơ sở cho việc đa dạng hoá sản xuất trên từng đơn vị diện tích. Một chế độ bón phân hợp lý, có thể với lượng phân không nhiều đảm bảo cho nhiều loại cây trồng phát triển trong một năm sản xuất trên cơ sở các loại cây trồng có thể bù trừ bổ sung cho nhau về một số chất dinh dưỡng.

   – Một chế độ bón phân hợp lý đảm bảo duy trì độ phì nhiêu của đất. Qua các vụ trồng trọt, đất không bị kiệt quệ, tiêu hao chất dinh dưỡng mà trái lại độ phì nhiêu của đất được thực hiện trên cơ sở sau mỗi vụ trồng trọt các loại cây trồng để lại cho đất một lượng chất hữu cơ đáng kể. Mặt khác, chế độ bón phân hợp lý còn làm giàu thêm và tăng cường khả năng hoạt động của tập đoàn vi sinh vật có ích trong đất. Cùng với sự hoạt động sôi động của tập đoàn vi sinh vật, các chất dinh dưỡng của cây được giải phóng, chuyển sang dạng dễ tiêu, dễ sử dụng đối với cây trồng.

   – Chế độ bón phân hợp lý và cân đối đảm bảo không ngừng cải thiện các đặc tính vật lý và sinh học của đất. Đất tốt nói chung, là loại đất giàu các chất dinh dưỡng, có kết cấu vật lý tốt, và có hoạt động sinh học cao. Ba đặc điểm này có liên quan mật thiết với nhau, là tiền đề và điều kiện của nhau. Bón phân hợp lý không những chỉ chú ý đến việc cung cấp thêm các chất dinh dưỡng cho cây mà còn làm tốt thêm các đặc tính vật lý và sinh học của đất.

   – Chế độ bón phân hợp lý góp phần nâng cao khả năng hoạt động và tính hữu ích của tập đoàn vi sinh vật đất. Tập đoàn vi sinh vật đất có vai trò rất to lớn và quan trọng trong chu trình chuyển hoá các chất. Tập đoàn vi sinh vật đất gồm rất nhiều loài thuộc các lớp, bộ sinh vật khác nhau: nấm, vi khuẩn, xạ khuẩn, tuyến trùng, v.v… Tuỳ thuộc vào hoạt động của tập đoàn sinh vật này mà chất hữu cơ trong đất được khoáng hoá nhanh hoặc chậm, cấu trúc của đất tốt hoặc xấu, chất dinh dưỡng cho cây ở trong đất nhiều hoặc ít.

   Bón phân hữu cơ, ngoài việc cung cấp nguyên liệu chuyển hoá cho tập đoàn vi sinh vật, còn bổ sung thêm vào đất nhiều loài vi sinh vật mà ở trong đất các loài này có ít vì bị các loài vi sinh vật đối kháng tiêu diệt.

   Bón phân vô cơ hợp lý tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho tập đoàn vi sinh vật tăng cường hoạt động.

   – Bón phân hợp lý làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Thay vì có hệ số sử dụng phân bón hiện nay là 40 – 50%, bón phân hợp lý có thể nâng cao số sử dụng này lên 60 – 70% và cao hơn. Hiệu quả của phân bón không chỉ ở việc cung cấp trực tiếp chất dinh dưỡng cho cây mà còn ở nâng cao đặc tính vật lý của đất, tăng cường hoạt động của tập đoàn sinh vật trong đất. Tất cả những yếu tố này tạo điều kiện để tiết kiệm lượng phân bón được sử dụng trong sản xuất. Trong điều kiện chi phí cho phân bón chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí sản xuất, thì việc tiết kiệm trong sử dụng phân bón mang lại cho nông dân khoản tiền không nhỏ.

   – Với những ưu điểm trình bày trên đây, bón phân hợp lý góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất cây trồng. Trên cơ sở đa dạng hoá sản xuất, tăng năng suất cây trồng đối với tất cả các loài trong cơ cấu, tạo nên nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Nếu như 1 hecta trồng lúa với năng suất 10 tấn/năm, cho thu nhập vào khoảng 15 triệu đồng Việt Nam, thì khi chuyển sang đa dạng hoá trồng trọt thu được trên 1 ha lên 40 – 50 triệu đồng, gấp 3 – 4 lần trồng lúa. Trong số giá trị gia tăng này, bón phân hợp lý, có đóng góp vào khoảng 30 – 40%, có nghĩa là vào khoảng trên dưới 10 triệu đồng/ha/năm.

 

  1. Một số điều cần chú ý khi thực hiện bón phân hợp lý

   – Cần có cách nhìn tổng hợp, toàn diện: khi bón phân cho cây không thể chỉ xuất phát từ cách nhìn chật hẹp là cung cấp một số chất dinh dưỡng cho cây. Cần thấy rõ là bón phân có những tác động sâu sắc lên toàn bộ hệ sinh thái đồng ruộng.

   Bón phân không thể chỉ nhắm vào việc làm tăng năng suất cây trồng mà còn phải thấy trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh tăng năng suất cây trồng, bón phân còn phải đảm bảo cho chất lượng nông sản tốt, nông sản phải “sạch”, có nghĩa là không mang theo các chất ô nhiễm, các chất gây độc hại cho con người.

   – Cần luôn ý thức được rằng: bón nhiều phân không hẳn đã tốt. Nồng độ phân hoá học cao có thể gây hại đối với cây. Cây trồng cũng như các loài sinh vật khác, có thể có những giới hạn chịu đựng nhất định, vượt qua giới hạn đó có thể bị huỷ hoại. Cây có thể có nhu cầu đối với một lượng phân bón không nhỏ, nhưng lượng phân đó phải được chia nhỏ ra cho cây hút nhiều lần. Tập trung vào bón một lần cây không những không hút được mà còn bị đầu độc, mặt khác lượng phân bón bị hao hụt nhiều do bay hơi, rửa trôi, cây cỏ dại hút mất v.v…

   Bón một lượng phân quá lớn vượt quá nhu cầu của cây, lượng phân dư thừa không những bị lãng phí mà nhiều loài sinh vật trong hệ sinh thái đồng ruộng sử dụng lượng phân thừa đó để phát triển và cạnh tranh với cây trồng về không gian và các điều kiện sinh sống khác.

   Vì vây, bón phân hợp lý cho cây là bón vừa đủ lượng phân theo nhu cầu của cây ở từng thời điểm.

   – Trong nhiều trường hợp, năng suất cây trồng cao chưa hẳn đã đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.

   Thực hiện nền nông nghiệp hàng hoá, sản xuất nông sản chỉ có thể được chấp nhận khi giá bán nông sản phải cao hơn giá thành sản xuất và người nông dân phải có lãi.

   Phân bón thường mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi lượng phân sử dụng hợp lý. Hiệu quả kinh tế này tăng dần lên đến một giới hạn nào đó. Giới hạn này cao hoặc thấp tuỳ thuộc vào đặc điểm của giống, vào đất đai và các yếu tố kỹ thuật canh tác khác. Vượt qua giới hạn đó, hiệu quả kinh tê của phân bón giảm dần cho đến khi không còn hiệu quả nữa và sau đó là lỗ. 

   Bón phân làm tăng năng suất cây trồng. Trong những giới hạn xác định, năng suất cây trồng tăng lên, hiệu quả kinh tế của sử dụng phân bón cũng tăng lên. Tiếp tục tăng lượng phân bón, năng suất cây trồng có thể tiếp tục tăng cao hơn, nhưng ở phạm vi này, hiệu quả kinh tế của phân bón giảm xuống. Sau đó càng tăng thêm lượng phân bón, hiệu quả kinh tế của phân càng giảm.

   Bón phân hợp lý là tìm ra lượng phân bón thích hợp để vừa đạt năng suất cây trồng, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế của sử dụng phân bón cao nhất.

   – Không nên để cho cây quá kiệt quệ rồi mới bón phân.

   Cây trồng là những cơ thể sống. Chúng chỉ tiếp nhận những chất cần thiết từ môi trường bên ngoài khi cơ thể ở trong trạng thái bình thường, các chức năng và hoạt động sinh lý của cây tiến hành không trở ngại.

   Khi cây bị thiếu dinh dưỡng, trong cây diễn ra nhiều quá trình sinh lý, sinh hoá không bình thường. Để đảm bảo cho cây duy trì sự sống, các chất dự trữ, các dạng năng lượng đều được huy động để duy trì sự sống của cây, cây ở trong trạng thái bệnh lý. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi cây trồng bị sâu bệnh gây hại nặng.

   Bón phân hợp lý là sử dụng phân bón đúng lúc không để cho cây rơi vào tình trạng kiệt quệ do thiếu dinh dưỡng. Khi cây đã rơi vào trạng thái kiệt quệ, việc bón phân không thể giải quyết như cây ở trong trạng thái bình thường mà cần lựa chọn loại phân, liều lượng phân bón và thời gian bón thích hợp.

   – Cây trồng sử dụng phân bón trong suốt thời gian sinh trưởng. Vì vậy cây chia ra làm nhiều lần để bón mới phát huy được tác dụng của phân bón ở mức cao.

   Trong thực tế sản xuất, vì nhiều lý do khác nhau người nông dân không thể bón quá nhiều lần cho cây mà thường tập trung vào một số lần để bón, thông thường là 2 – 4 lần trong một vụ đối với các loại cây ngắn ngày.

   Bón tập trung ít lần với những lượng phân bón lớn có thể gây ra nhiều tác hại đối với cây trồng, đối với môi trường sinh thái. Vì vậy, bón phân hợp lý yêu cầu chia lượng phân bón ra làm nhiều lần để bón. Càng nhiều lần càng tốt, nhất là khi có những điều kiện thuận lợi cho phép bón phân làm nhiều lần.

 

  1. Một số việc cần làm để thực hiện bón phân hợp lý

   – Trước hết người nông dân cần có sổ tay hoặc cẩm nang phân bón. Sổ tay hoặc cẩm nang phân bón được các nhà xuất bản in ấn nhiều lần và được phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi. Nông dân muốn đạt hiệu quả cao trong trồng trọt, muốn tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón cần mua và biết cách sử dụng sổ tay (cẩm nang phân bón).

   Cần nhận thức được là cẩm nang phân bón không phải là bài thuốc vạn năng có thể phát huy hiệu lực và đảm bảo hiệu quả cao ở mọi lúc và mọi chỗ. Những điều kiện trình bày trong sổ tay (cẩm năng) là những yếu tố chung nhất, tiêu biểu nhất, là những số liệu trung bình của hàng trăm nghìn trường hợp được khảo sát và nghiên cứu. Thực tế sản xuất thường đa dạng và phong phú gấp nghìn triệu lần những gì đã viết trong sách.

   Vì vậy, có sổ tay (cẩm nang) là điều cần thiết, nhưng quan trọng hơn là biết cách sử dụng tốt những điều được viết trong sách. Sử dụng tốt những điều đã viết trong sách trước hết là phải trân trong nó, coi đó là những mẫu mực để tìm cách sử dụng ở mức cao nhất vào hoạt động thực tế của mình. Trên cơ sở những điều đã viết trong sách liên hệ, đối chiếu với những gì đã và đang xảy ra trong thực tế sản xuất của mình để tìm ra những kết luận cần thiết cho hành động thực tế.

   – Cần có những hiểu biết càng đầy đủ càng tốt về thời tiết, khí hậu, về đất đai, về cây trồng ở nơi tiến hành sản xuất.

   Những người nông dân có kinh nghiệm thường khuyên lớp trẻ là muốn bón phân có hiệu quả phải nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây mà bón. Điều này cho thấy, những người nông dân sản xuất giỏi đã ý thức khá rõ việc bón phân muốn mang lại kết quả tốt cần phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết và nhu cầu của cây.

   Về đặc điểm của đất đai, người nông dân có thể phát hiện dần qua quá trình trồng trọt nhiều năm trên mảnh ruộng của mình. Cái cần đối với người nông dân là độ phì nhiêu thực tế của ruộng vườn. Độ phì nhiêu thực tế tuỳ thuộc nhiều vào chế độ canh tác, vào cây trồng những năm trước đây, nhất là ở vụ trực tiếp trước đó.

   Khí hậu thời tiết diễn biến hàng năm có thể lấy và tham khảo các tài liệu của trạm khí tượng trong vùng. Điều quan trọng là những diễn biến cụ thể của tiểu khí hậu và vi khí hậu trên ruộng, vườn của người nông dân. Những tư liệu về tiểu khí hậu và vi khí hậu cần được người nông dân tích lũy và ghi chép lại qua quá trình sản xuất thực tế của mình. Cần lưu ý là thời tiết khí hậu thường diễn biến theo chu kỳ. Những hiện tượng đột xuất như giá rét, bão, sương muối thường xảy ra theo chu kỳ nhiều năm, có khi hàng chục năm mới trở lại. Những hiện tượng thông thường như mưa, nắng, gió nhẹ, v. v… thường diễn biến theo chu kỳ ngắn hơn, cứ vài ba năm trở lại một lần. Thông thường, khí hậu thời tiết của 2 năm kế tiếp nhau không giống nhau. Vì vậy, những gì xảy ra năm nay thì năm sắp tới thường ít khi lặp lại.

   Về cây trồng, điều người nông dân cần nắm được là giống cây. Gần đây, chúng ta đưa nhiều giống mới vào sản xuất. Người nông dân khi đưa một giống về sản xuất trên ruộng của mình cần nắm được xuất xứ của giống, những yêu cầu và đặc điểm của giống, đặc biệt là các nhu cầu về chất dinh dưỡng. Nguồn gốc của giống, thường bao hàm những đặc điểm cơ bản của giống vì mỗi giống cây được tạo ra thường mang lại các đặc tính của bố mẹ và mang những đặc điểm của khí hậu đất đai nơi giống đó được tạo ra.

   Những đặc điểm của giống cây người nông dân có thể yêu cầu người bán giống cung cấp. Cần tránh gieo trồng những giống cây không rõ lý lịch, không có nguồn gốc. Không sử dụng các giống cây được mua bán trôi nổi trên thị trường.

   – Để có thể bón phân hợp lý cần theo dõi và nắm sát trạng thái của cây trên đồng ruộng.

   Những biểu hiện thành triệu chứng và trạng thái của cây thể hiện ra bên ngoài phản ánh khá trung thực quá trình sinh trưởng phát triển của cây và những phản ứng của cây đối với các yếu tố thuận lợi cũng như bất lợi trong môi trường và điều kiện sống của nó. Ví dụ, cây thiếu đạm phát triển còi cọc, lá chuyển sang vàng, cây thừa đạm lá có màu xanh sẫm, lá mềm lướt, v.v…

   Dưới đây là một số triệu chứng thiếu chất dinh dưỡng của cây:

   Một số triệu chứng của cây do thiếu chất

Stt

Triệu chứng

Thiếu chất

1

Lá úa vàng bắt đầu từ đỉnh

N

2

Mép lá bị héo chết

K

3

Các gân lá úa vàng khi lá còn xanh

Mg

4

Trên lá ngũ cốc xuất hiện các đốm màu hơi nâu, hơi xám, hoặc hơi trắng

Mn

5

Trên lá hoặc thân xuất hiện màu hơi đỏ trên nền xanh

P

6

Lá non có những đốm xanh vàng với gân lá màu hơi vàng

S

7

Lá non có những đốm xanh vàng với gân lá màu xanh

Fe

8

Lá non đậu đỗ, khoai tây có đốm màu đen hơi nâu

Mn

9

Lá non nhất có đỉnh màu trắng

Cu

10

Lá non nhất có màu hơi nâu hoặc chết

B

 

Trên đây là các triệu chứng tương đối tiêu biểu của cây thiếu các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, chưa phải là tất cả các triệu chứng có liên quan đến thiếu chất dinh dưỡng thể hiện trên cây. Mặt khác, thiếu chất dinh dưỡng đã thể hiện các tác động tiêu cực lên sinh trưởng và phát triển của cây từ rất sớm, trước khi cây thể hiện thành triệu chứng ra bên ngoài. Thí dụ như thiếu N cây có thể ra lá chậm, lá nhỏ, đẻ ít nhánh, v.v…

   Điều rất quan trọng đối với người nông dân là cải tiến cách thăm đồng theo truyền thống làm nông nghiệp trước đây bằng cách thăm đồng kèm theo một số đo đếm quan sát cần thiết có thể đánh giá chính xác hơn trạng thái của cây. Các quan sát, đo đếm cần được tiến hành là:

   * Sinh trưởng và phát triển của cây trồng: số nhánh, số lá, kích thước lá, màu sắc lá, các biểu hiện không bình thường trên cây, chiều cao cây, số nhanh hữu hiệu, v.v… Các quan sát đo đếm này cần được tiến hành đúng phương pháp, đúng số lượng cần thiết để tránh sai số và không phản ánh đúng trạng thái của cây trên đồng.

   * Độ đồng đều của quần thể cây trồng. Đồng đều về hình thái, đồng đều về giai đoạn phát triển, đồng đều về trạng thái sức khoẻ, đồng đều về khả năng tạo năng suất nông sản.

   * Tình hình diễn biến và gây hại sâu bệnh. cần nắm được tỷ lệ, chỉ số cây bị hại, mật độ sâu trên ruộng, giai đoạn phát dục của loài sâu gây hại, các loài thiên địch, các loài sâu bệnh khác đang có mặt với mật độ chưa cao.

   * Tình hình hệ sinh thái đồng ruộng: nước, cỏ dại, độ toi xốp của đất, tiểu khí hậu trên ruộng, v.v…

   Các theo dõi quan sát nêu trên đây có thể thực hiện một cách đơn giản và khi người nông dân đã quen thì không mất nhiều thời gian lắm.

   Việc bón phân hợp lý cần được tiến hành trên cơ sở phân tích và đánh giá hiện trạng cây trồng trên đồng ruộng một cách cụ thể và cẩn thận. Vì vậy, nếu không tiến hành việc điều tra, đánh giá đồng ruộng một cách thường xuyên, định kỳ thì ít nhất trước mỗi lần bón phân cũng cần có điều tra đánh giá.

   – Tiến hành dự báo những gì xảy đến trong những ngày sắp tới để thực hiện bón phân hợp lý.

   Để có thể bón phân hợp lý và phát triển đến mức cao nhất hiệu quả của phân bón, cần dự báo được diễn biến của cây trồng trong những ngày sắp tới, dự báo được diễn biến của hệ sinh thái đồng ruộng, dự báo được năng suất cây trồng có khả năng đạt được.

   Các cơ sở để tiến hành dự báo có thể là:

   + Kinh nghiệm làm nông nghiệp lâu đời của nông dân trên mảnh đất của mình.

   + Các dự báo trung hạn của cơ quan khí tượng thuỷ văn.

   + Các dự tính dự báo về phát sinh và diễn biến của sâu bệnh.

   + Những nhận xét và đánh giá cây trồng trên đồng ruộng ở thời điểm hiện tại.

   Thực tế sản xuất cho thấy, rất nhiều trường hợp nông dân tiến hành bón phân không hợp lý vì không dự báo được những gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới. Có trường hợp càng tiến hành bón phân, sâu bệnh càng phát triển mạnh, làm cho phân bón không những không phát huy được tác dụng làm tăng năng suất cây trồng mà còn làm tăng thêm mức độ gây hại của sâu bệnh dẫn đến năng suất bị mất trắng. Cũng có trường hợp, bón phân quá muộn, phân không góp phần làm tăng năng suất cây trồng mà còn để lại dư lượng trong nông sản làm giảm chất lượng của nông sản và lãng phí phân bón. Có trường hợp vừa bón phân xong trời mưa to, cây chưa kịp sử dụng thì phân bón đã bị trôi theo dòng nước mưa làm ô nhiễm ao hồ và sông suối.

   – Thực hiện việc bón phân hợp lý một cách linh động, sáng tạo.

   Do đặc điểm và tính chất của nó, sản xuất nông nghiệp thường không bao giờ là những công thức có sắn. Bón phân cũng vậy, là một hoạt động của sản xuất nông nghiệp, nó cần được giải quyết trên cơ sở những điều kiện cụ thể và thực tế của sản xuất.

   Với tinh thần sáng tạo, mọi loại phân bón có ở cơ sở sản xuất đều có thể sử dụng tốt với hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, bón phân hợp lý không nhất thiết phải có đầy đủ mọi loại phân bón cũng không nhất thiết có đủ số luợng của mỗi loại phân. Trong thực tế sản xuất, nông dân ít khi có sẵn và có đầy đủ các loại phân bón.

   Tính chất hợp lý trong việc sử dụng phân bón được đặt ra cả với trường hợp có đủ cũng như với trường hợp không có đủ các thành phần và số lượng phân bón cần thiết.

   Bón phân hợp lý được đặt ra trong tinh thần: rất tiết kiệm phân bón, phát huy đến mức cao mọi loại phân bón có ở nơi sản xuất, nhân lên cả tác dụng tích cực và hạn chế đến mức thấp nhất các tác dụng tiêu cực của phân bón.

 

   Muốn sử dụng phân bón một cách sáng tạo cần nhận đúng các loại phân bón.

Xin giới thiệu ở đây một số cách nhận biết đơn giản một số loại phân bón thông thường bằng phương pháp hoá lý:

   * Nhận biết các loại phân khoáng tan hết trong nước (phân nitrat, phân amôn, phân kali).

        + Lấy mẫu phân bằng thìa, mũi dao, đưa lên ngọn lửa đèn cồn hoặc lửa than.

            Nếu phân cháy thành ngọn lửa: phân nitrat.

            Nếu phân chảy nước bốc khói: phân amôn.

            Không thấy thay đổi: phân kali.

        + Phân biệt các loại phân nitrat:

    Lấy 1 thìa phân nitrat bỏ vào cốc có nước vôi trong:

            Có mùi khai: phân nitrat amôn (NH4NO3)

            Không có mùi khai: phân nitrat natri (NaNO3) hoặc nitrat kali (KNO3). Để phân biệt 2 loại nitrat này, đốt phân lên ngọn lửa:

            Ngọn lửa màu vàng: NaNO3

            Ngọn lửa màu tím: KNO3

        + Phân biệt các loại phân amôn.

    Lấy 1 thìa phân amôn bỏ vào cốc có nước vôi trong:

            Không có mui khai: phân urê CO(NH2)2

            Có mùi khai: đổ tiếp vào dung dịch BaCl2. Kết tủa thành sunphat amôn (NH4)2SO2. Không kết tủa: NH4Cl hoặc NH4H2PO4. Cho AgNO3 vào dung dịch không kết tủa trên thấy:

            Kết tủa màu trắng: NH4Cl

            Kết tủa màu vàng: NH4H2PO4

        + Phân  biệt các loại phân kali.

    Hoà tan phân kali vào cốc đổ từ từ dung dịch BaCl2 vào:

            Có kết tủa: K2SO4

            Không có kết tủa: KCl

    * Phân biệt các loại phân khoáng ít tan hoặc không tan hết trong nước (phân lân, vôi, xianamit, kali magiê).

        + Nhận biết phân vôi: màu trắng ngà, trắng đục.

            Nhỏ axit vào phân, thấy sủi bọt: CaCO3, MgCO3.

            Không thấy sủi bọt: vụn sừng, prexipitat, thạch cao.

        + Phân biệt các loại phân khi nhỏ axit không sủi bọt.

            Đốt trên than, đèn cồn có mùi khét: vùn sừng.

            Không có mùi khét là 2 loại phân còn lại.

            Nhỏ AgNO3 vào: kết tủa màu vàng: prêxipitat.

            Không có màu: thạch cao (CaSO4. 2H2O)

        + Nhận biết phân kali magiê: màu xám, tan trong nước.

        + Nhận biết bột photphorit: màu đất, pH trung tính.

        + Màu đen, pH kiềm, nhỏ axit vào:

            Bốc hơi, kết tủa, vệt đen: phân xianamit canxi.

            Kết tủa lắng xuống đáy cốc: Tômasolac.

    Bên cạnh việc nhận biết các loại phân bón, cần biết cách tính lượng phân theo công thức phân bón.

    * Đối với các loại phân bón

    Thí dụ bón phân hoá học cho lúa theo công thức 60 : 40 : 30.

    Phân urê có 46% N, supe lân có 20% P2O5, clorua kali có 60% K2O.

    Cách tính như sau:

        Phân urê: 60 x 100/46 =  130 kg.

        Phân supe lân: 40 x 100/20 = 200 kg.

        Phân clorua kali: 30 x 100/60 = 50 kg.

    * Đối với các loại phân hỗn hợp:

   Tính số lượng phân hỗn hợp cần thiết trên cơ sở tỷ lệ giữa công thức phân bón cho cây so với công thức pha trộn của loại phân.

    * Thí dụ: Bón phân cho lúa với mức: 60 : 40 : 30 và dùng phân hỗn hợp 16 : 16 : 8.

        Tỷ số cần có là: 60/16; 40/16; 30/8 hay là 3,7; 2,5; 3,7.

   Với dãy số trên đây ta chọn số chẵn thấp nhất của 3 tỷ số, đó là số 2. Tính số phân hỗn hợp cần có là:

            100 kg x 2 = 200 kg phân amôphốtka 16 : 16 : 8.

   Như vậy ta đã cung cấp cho lúa được 32 : 32 : 16. So với công thức định bón là còn thiếu. Số phân còn thiếu cần sử dụng phân đơn để bổ sung vào.

            N còn thiếu 60 kg – 32 kg = 28 kg

            P2O5 còn thiếu 40 – 32 = 8 kg

            K2O còn thiếu 30 – 16 = 14 kg.

        Nếu sử dụng urê thì cần có: 28 x 100/46 = 60 kg urê.

        Dùng supe lân thì cần có: 8 x 100/20 = 40 kg supe lân.

        Dùng clorua kali thì cần có: 14 x 100/60 = 23 kg clorua kali.

   Tính hợp lý trong sử dụng phân bón được thể hiện ở hiệu quả của phân bón. Hiệu quả này được biểu hiện trên 3 mặt: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường.

   Đánh giá hiệu quả kinh tế của phân bón người ta thường dùng 2 chỉ tiêu: lãi ròng và lãi suất.

   Lãi ròng (LR) giá trị của phần nông sản tăng lên do tác dụng của phân bón trừ đi số tiền chi phí để mua phân bón và trả công cho người bón phân:

            Trong đó: LR = TN – CP. (TN: thu nhập, CP: chi phí).

   Thực tế bón phân ở nước ta cho thấy lãi ròng của người nông dân đạt vào khoảng 50% số tiền bỏ ra để mua và sử dụng phân bón.

   Lãi suất (LS) là thương số giữa tiền thu nhập tăng lên do phân bón (TN) với số tiền bỏ ra để mua phân bón (CP): 

LS = TN/CP

   Thực tế sản xuất cho thấy muốn bón phân có lãi, lãi suất phải đạt cao hơn 2.

   Hiệu quả kinh tế của phân bón trong nhiều trường hợp không chỉ phát huy ngay trong vụ sản xuất đó mà nhiều lúc còn có những tác dụng tốt đối với các loại cây trồng ở vụ tiếp sau. Đặc biệt là các loại phân hữu cơ, phân hoá học có tác động tốt lên tập đoàn vi sinh vật đất, làm tăng hoạt động của nhóm vi sinh vật có ích. Vì vậy, khi tính toán hiệu quả kinh tế của phân bón cần có cách nhìn bao quát hơn.

   Hiệu quả xã hội của phân bón cho đến nay chưa được nông dân chú ý đến. Bón phân cho lúa nhiều khi mang lại hiệu quả kinh tế không cao so với bón phân cho rau, hoa, cây ăn quả. Tuy vậy, lúa là cây lương thực có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an toàn lương thực, gìn giữ ổn định cuộc sống của nhân dân, cho nên bón phân cho lúa mang lại hiệu quả xã hội rất cao.

   Bón phân có tác động rất lớn đến môi trường sống của con người, đến sự phát triển của các hệ sinh thái. Bón hợp lý cần đảm bảo tăng năng suất cây trồng nhưng không gây ô nhiễm, không ảnh hưởng đến sức khoẻ người nông dân và không có những tác động tiêu cực lên các hệ sinh thái.

   Bón phân hợp lý không phải là một công thức nghiệm đúng cho tất cả mọi trường hợp sử dụng phân bón ở bất cứ địa phương nào, vào bất cứ thời điểm nào. Chỉcó thể tạo được sự hợp lý khi vận dụng tốt những kết quả thu được và được tổng kết cho các trường hợp điển hình vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể một cách khoa học và sáng tạo.

   Đạt được sự hợp lý trong sử dụng phân bón người nông dân có thêm nhiều nguồn thu nhập: từ năng suất cây trồng được tăng lên, từ giá trị thu được trên đơn vịdiện tích được nâng cao, từ tiết kiệm được lượng phân bón, từ sự phát triển bền vững của các hệ sinh thái, từ sức khoẻ được bảo đảm, nâng cao, từ môi trường sống không bị ô nhiễm. Và đó là một trong những con đường tăng thu nhập, tiến tới làm giàu của người nông dân – cần được khai thác tốt.

Nguồn: cuctrongtrot.gov.vn

Bài viết liên quan