Độc từ phun thuốc sâu và bón phân không đúng

18/03/2021

24/08/2016PGS.TS NGUYỄN NHƯ HÀ

Trồng trọt có khả năng ảnh hưởng lớn tới VSATTP, vì là ngành sản xuất trực tiếp hay gián tiếp tạo ra lương thực, thực phẩm cho người và thức ăn cho ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Bón NPK-S Lâm Thao tăng năng suất cây trồng

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được hiểu đầy đủ hơn là vệ sinh an toàn lương thực, thực phẩm, đã và đang trở thành vấn đề được quan tâm do không chỉ liên quan trực tiếp đến sức khỏe và đời sống hàng ngày của toàn dân mà còn liên quan tới nhiều hoạt động khác nhau trong xã hội.

Trồng trọt có khả năng ảnh hưởng lớn tới VSATTP, vì là ngành sản xuất trực tiếp hay gián tiếp tạo ra lương thực, thực phẩm cho người và thức ăn cho ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trong trồng trọt người lao động sử dụng đất và cây trồng để tạo ra các nông sản phẩm và thu nhập.

Sản phẩm của trồng trọt được cây trồng tạo ra từ năng lượng mặt trời, CO2, nước, các chất khoáng, trong đó cây trồng thường thiếu các nguyên tố khoáng để tạo nên năng suất và chất lượng sản phẩm.

 Vì vậy để có nhiều nông sản phẩm (năng suất cây trồng) và thu nhập, đồng thời bảo vệ đất trồng cho sản xuất lâu bền, người nông dân thường phải dùng nhiều phân bón, thuốc (hóa chất) bảo vệ thực vật (BVTV) cùng các biện pháp kỹ thuật canh tác khác trong sản xuất nông nghiệp (SXNN). Trong đó phân bón là các hợp chất hóa học có chứa một hay nhiều nguyên tố dinh dưỡng khoáng thiết yếu (14 nguyên tố) đối với cây, được bón vào đất (chủ yếu) hay trên lá cây nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

Để phân bón phát huy tác dụng, chúng cần được chuyển hóa trong đất và cây, việc không tạo điều kiện cho phân bón chuyển hóa đúng trong sử dụng có khả năng ảnh hưởng xấu không chỉ tới năng suất mà còn tới chất lượng sản phẩm và VSATTP.

Trong trồng trọt phân bón là vật tư có tác dụng kích thích lãi, sử dụng phân bón (bón phân) hợp lý có vai trò quyết định đối với năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, hiệu quả của các biện pháp kỹ thuật canh tác, thu nhập và lợi nhuận từ SXNN của người nông dân.

Để tăng thu nhập và lãi từ SXNN người nông dân có thể tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến (giống tốt, mật độ hợp lý…) tạo cơ sở cho tăng mức bón phân cân đối và hợp lý. Thuốc BVTV là các hợp chất hóa học chứa độc tố được sử dụng nhằm trừ dịch hại (sâu, bệnh, cỏ dại…) bảo vệ cây trồng với năng suất tạo ra trong sản xuất.

Sử dụng thuốc BVTV là một (biện pháp hóa học) trong những biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, tuy rất có hiệu quả (trừ dịch hại và kinh tế) nhưng chỉ nên áp dụng khi không không thể áp dụng các biện pháp phòng trừ khác (canh tác, giống, sinh học, điều hòa).

Vì thuốc BVTV dù có độc tính chọn lọc trên dịch hại nhưng khi sử dụng vẫn gây hại môi trường và có thể gây độc cho người khi tồn dư quá tiêu chuẩn cho phép trong nông sản, thuốc BVTV càng được dùng nhiều càng gây mất VSATTP, nhất là khi được sử dụng không theo hướng dẫn.

Vì vậy việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV (còn gọi chung là “Hóa chất dùng trong nông nghiệp”) trong trồng trọt, rất cần thiết cho SXNN có thu nhập và lãi cao nhưng khác nhau về điều kiện và nhu cầu sử dụng (đối với phân bón khi tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến – thâm canh, càng có thể tăng lượng phân bón cân đối và hợp lý để có thu nhập và lãi cao hơn; còn đối với thuốc BVTV chỉ tăng sử dụng khi không còn sử dụng được biện pháp phòng trừ dịch hại nào khác).

Khi người nông dân sử dụng phân bón và thuốc BVTV không phù hợp với điều kiện (đặc biệt đối với thuốc BVTV) không chỉ ảnh hưởng xấu tới thu nhập và lợi nhuận từ SXNN của họ mà còn đe dọa VSATTP của toàn xã hội.

Để giải quyết vấn đề VSATTP từ “gốc” cần có giải pháp để nông dân sử dụng phân bón và BVTV trong trồng trọt vừa đem lại lãi cao từ SXNN của họ vừa không ảnh hưởng xấu tới VSATTP. Trong đó có một nội dung cơ bản và quan trọng nhất là tạo điều kiện, hướng dẫn cho nông dân sử dụng phân bón hợp lý cho cây trồng trong sản xuất của họ. Sở dĩ đây là nội dung cơ bản và quan trong nhất cho việc giải quyết vấn đề VSATTP từ gốc trong SXNN vì những lý do dưới đây:

Mặc dù chất lượng sản phẩm cây trồng quyết định bởi đặc điểm di truyền của cây nhưng do cây trồng hút dinh dưỡng khoáng từ đất và phân bón để tạo ra năng suất, chất lượng sản phẩm nên việc thiếu hay thừa dinh dưỡng khoáng của cây ảnh hưởng xấu đến phẩm chất nông sản.

Do đó bón phân nhằm cung cấp dinh dưỡng khoáng phù hợp với yêu cầu của cây trồng có tác dụng tốt không chỉ đối với năng suất mà còn với phẩm chất nông sản (mỗi loại phân bón đều có tác dụng tốt tới một số phẩm chất sinh học xác định). Bón phân không cân đối tạo ra các nông sản (lương thực, thực phẩm) không cân đối (thiếu một số nguyên tố dinh dưỡng khoáng…) khiến người và động vật dù ăn nhiều vẫn mắc các bệnh suy dinh dưỡng (Vũ Hữu Yêm, 1995).

Trong thực tế có những kết quả nghiên cứu cho thấy bón phân hoá học gây ảnh hưởng xấu tới phẩm chất nông sản và VSATTP, đặc biệt khi thừa N ảnh hưởng xấu tới phẩm chất cây lấy hạt; làm tăng hàm lượng NO3- trong rau; ảnh hưởng xấu tới năng suất và chất lượng sữa…Tuy nhiên khoa học và thực tiễn cũng đã xác nhận rằng, tác động xấu của phân bón tới phẩm chất sinh học và VSATTP thường do bón phân không cân đối.

Vì bón phân không cân đối (thiếu loại dinh dưỡng, quá nhu cầu hay không cân đối với các chất dinh dưỡng khác so với yêu cầu của cây và khả năng cung cấp của đất) đều có thể ảnh hưởng xấu tới chất lượng nông sản và VSATTP. Điều này thường thấy rõ nhất với yếu tố N vì “thừa đạm” có tính rất tương đối, do liên quan tới nhiều yếu tố: đặc điểm sinh học của cây (loại cây, giống cây, mức năng suất); điều kiện đất đai, khí hậu; kỹ thuật canh tác, tình trạng bón phân cho cây (tổng lượng của từng loại phân bón và phân phối chúng trong quá trình sinh trưởng của cây).

Trong trồng trọt việc thừa đạm (do nhiều nguyên nhân khác nhau nêu trên) còn làm cho cây trồng kéo dài thời gian sinh trưởng, thân lá phát triển quá mức với tỷ lệ nước và đạm vô cơ hoà tan trong mô cây cao, trở nên rất hấp dẫn và thuận lợi cho sâu bệnh hại phát triển.

Ngoài ra, do cây trồng được cung cấp dinh dưỡng không cân đối, giảm sức chống chịu đối với sâu, bệnh hại. Kết quả làm tăng nhu cầu sử dụng thuốc BVTV và khả năng ảnh hưởng xấu lớn tới tình trạng VSATTP. Tuy nhiên nếu cây trồng được bón các phân khác cân đối với phân đạm không chỉ phát triển tốt mà còn tạo cho cây trở nên mất tính hấp dẫn và có khả năng chống chịu tốt hơn với sâu, bệnh hại. Vì các loại phân P, K và trung, vi lượng có tác dụng giúp cây chống chịu sâu bệnh hại cao hơn.

Đặc biệt khi kali có nhiều trong cây, còn tạo ra nhiều chất phitophenon (antoxiamin, antoxiatin…) có tính độc cao, làm cho cây có khả năng tự tiêu diệt và ngăn ngừa sâu bệnh hại tấn công (Nguyễn Vi, 1993).

Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón có sản lượng lớn nhất Việt Nam hiện nay với tổng khối lượng trên 1,8 triệu tấn phân bón các loại/năm. Với 3 sản phẩm phân bón là: Supe lân 830.000 tấn/năm, phân NPK-S các loại 750.000 tấn/năm, phân lân nung chảy 200.000 tấn/năm đều được đánh giá là “phân sạch”, thân thiện với môi trường.

Nguồn: nongnghiep.vn

Bài viết liên quan