Thị trường phân bón: Sức ép lớn từ hàng nhập khẩu

18/03/2021
Áp lực tồn kho và cạnh tranh gay gắt
 
Báo cáo tổng kết năm 2015 của Bộ Công thương đưa ra những con số rất đáng để lưu tâm. Theo đó, tổng sản lượng phân urê Việt Nam 2015 đạt 2.283,6 nghìn tấn, nhập khẩu – tăng gấp ba lần năm 2014, đạt 653 nghìn tấn. Như vậy, chỉ tính riêng trong năm 2015, tổng lượng cung urê trên thị trường đạt hơn 2,9 triệu tấn – vượt xa nhu cầu mà ngành nông nghiệp cần để sản xuất, con số mà theo Bộ Tài chính dự báo vào đầu năm 2015 chỉ khoảng2,2 triệu tấn.
 
Trong khi đó, số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng phân urê xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng năm2015 chỉ ở mức “khiêm tốn”, chưa đầy 200 nghìn tấn. Nếu làm một phép tính đơn giản, có thể thấy dư cung đối với riêng phân urê đạt con số rất lớn: hơn 500 nghìn tấn. Con số này phần nào được lý giải bằng một chỉ tiêu khác: tồn kho. Theo Bộ Công thương, chỉ số tồn kho của riêng ngành sản xuất phân bón và các hợp chất nito (bao gồm urê, NPK và DAP) tại thời điểm cuối năm 2015 đã tăng tới 46% so cùng kỳ năm 2014. Những con số trên chưa thể khẳng định các nhà sản xuất phân urê trong nước đang gặp vấn đề trong tiêu thụ sản phẩm, nhưng là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp này đang vấp phải sức ép cạnh tranh không nhỏ từ hàng nhập khẩu.
 
Theo Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập vào Việt Nam vẫn chủ yếu từ Trung Quốc – chiếm tới 47% tổng lượng nhập khẩu. Tuy nhiên trên thực tế, thị phần nhập khẩu từ bạn hàng phân bón truyền thống này đã sụt giảm so với những năm trước đó. Thay vào đó, Indonesia và Malaysia nổi lên với kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2014 – Indonesia tăng gần tám lần còn Malaysia tăng sáu lần, đưa tổng khối lượng đạt xấp xỉ 300 nghìn tấn. Làn sóng nhập khẩu từ các nước Đông – Nam Á vẫn chưa dừng lại khi bước sang quý I năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường ASEAN đạt gần 75 nghìn tấn, trong đó hơn một nửa là từ Indonesia và Malaysia.
 
Điểm đáng chú ý, phân urê nói riêng và phân bón nói chung từ ASEAN có lợi thế lớn so với các nước khác là không phải chịu thuế nhập khẩu (trong khi urê Trung Quốc phải chịu thuế 6%) và các nhà máy urê phần lớn được sản xuất từ nguồn khí thiên nhiên – vốn đang giảm giá sâu cùng với đà giảm của giá dầu mỏ. Ngoài ra, Luật thuế GTGT sửa đổi đưa phân bón về danh mục không chịu thuế GTGT khiến các doanh nghiệp trong nước không được hoàn thuế đầu vào, gián tiếp nâng chi phí sản xuất dẫn đến tăng giá thành. Điều này giúp phân urê từ Indonesia và Malaysia có lợi thế về giá không nhỏ so với các nhà cung cấp khác.
 
Trên thực tế, giá bán urê Indonesia và Malaysia tại TP Hồ Chí Minh vào thời điểm đầu tháng 4-2016 chỉ 5.800 đồng/kg – thấp hơn so với phần lớn các nhà sản xuất trong nước.
 
Áp lực cạnh tranh lớn đẩy các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước vào thế khó, đặc biệt là các nhà máy mới đi vào hoạt động hoặc vừa mở rộng sản xuất, cụ thể là Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc. Báo cáo tổng kết cuối 2015 của Vinachem cho thấy, cả hai nhà máy sản xuất urê của Tập đoàn đều báo lỗ, trong đó, Đạm Hà Bắc tính đến hết tháng 6-2015 lỗ 247 tỷ đồng.
 
Theo lý giải của Vinachem, nguyên nhân lỗ của Đạm Hà Bắc gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan, như do dây chuyền nâng công suất lên 500 nghìn tấn/năm mới đưa vào hoạt động nên chi phí khấu hao và chi phí lãi vay đầu tư chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá thành sản phẩm, dẫn đến giá thành sản xuất cao trong bối cảnh giá bán liên tục sụt giảm; chưa làm chủ được thiết bị, vận hành nhà máy chưa ổn định nên định mức tiêu hao thực tế cao hơn so với thiết kế.
 
Giải pháp mà Vinachem đưa ra cho doanh nghiệp là phải chủ động xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả của quản lý nhằm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh sản phẩm. Tuy vậy, để có thể cạnh tranh được, bên cạnh nỗ lực tự thân, các nhà máy của Vinachem cần có được những sự hỗ trợ từ chính sách do lợi thế so sánh đã hầu như không còn.
 
Giải pháp từ yếu tố chính sách: “con dao hai lưỡi”
 
Sử dụng các hàng rào thương mại là điều cần thiết nếu muốn bảo hộ sản xuất trong nước. Trong bối cảnh hàng ngoại tràn ngập như hiện nay, các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng hoàn toàn có thể nộp hồ sơ xin áp dụng các hình thức phòng vệ thương mại. Cụ thể hình thức ở đây là Tự vệ Thương mại. Nếu thành công, các hàng rào thuế hoặc phi thuế sẽ được thiết lập nhằm hạn chế nhập khẩu
 
Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lại quy định về thuế GTGT đang áp dụng cũng là một biện pháp quan trọng nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất tiến tới hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh. Hiệp hội Phân bón Việt Nam đại diện cho các nhà sản xuất cũng đã có động thái trên từ giữa năm ngoái tuy nhiên chưa được chấp thuận.
 
Chính sách kịp thời của Chính phủ sẽ là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn. Tuy nhiên, đây là “con dao hai lưỡi”. Việc quá phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước nảy sinh tâm lý ỷ lại và không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng sản phẩm, xây dựng kênh phân phối cũng như tối ưu hóa công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, việc hạn chế nhập khẩu, nếu được áp dụng, sẽ khiến người nông dân mất đi một nguồn hàng giá rẻ, chất lượng tốt – điều đặc biệt quan trọng giúp giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.
 
Trên thế giới, giá nông sản đang trong giai đoạn thấp nhất kể từ năm 2011, giá gạo xuất khẩu hiện chỉ còn trên dưới 350 USD/tấn. Trong nước, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu long – vựa lúa của cả nước khiến khả năng canh tác của bà con gặp nhiều khó khăn. Chưa kể việc Việt Nam vừa tham gia một loạt các Hiệp định thương mại tự do khiến nông sản gặp phải cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà của mình.
 
Tất cả những nguyên nhân nêu trên cho thấy, việc tìm ra một biện pháp tối ưu để “cứu” các doanh nghiệp phân bón làm ăn thua lỗ không phải chuyện đơn giản. Trước khi nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp trong nước cần phải tự “cứu” mình. Giải pháp là nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí và tận dụng lợi thế lớn nhất của mình là các kênh phân phối nhằm nhanh chóng lấp đầy các khu vực có nhu cầu; lấy ưu thế về tốc độ và số lượng để bù đắp cho sự kém linh hoạt về giá.

Bài viết liên quan