Xử lý phân bón giả có dấu hiệu chìm xuồng
Do những sự việc có tính chất nghiêm trọng diễn ra ngày một nhiều trong ngành phân bón, đặc biệt là hiện tượng phân bón giả, số vụ bắt giữ phân bón giả ngày một nhiều làm dư luận bức xúc… do đó, cơ quan Hiệp hội Phân bón Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị mạnh tay, quyết liệt xử lý nạn phân bón giả và các hành vi tiếp tay cho phân bón giả.
Trong văn bản kiến nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Nguyễn Hạc Thúy đã chỉ ra hàng loạt những bất cập trong quản lý Nhà nước về phân bón, các vụ việc phân bón giả được phát hiện nhưng xử lý chưa nghiêm, có dấu hiệu chìm xuồng.
Ông Thúy cho biết, từ tháng 8/2015 Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã tổ chức kiểm tra trên 80% tỉnh thành cả nước, kết quả đã thống kê sơ bộ, hiện cả nước có hơn 750 cơ sở sản xuất phân bón (gồm các tập đoàn, tổng công ty, chi nhánh). Tuy nhiên, nếu kiểm tra 100% các tỉnh thì con số các cơ sở sản xuất phân bón có thể lên 1.000 đơn vị. Chính việc chưa thể quản lý và thống kê hết các cơ sở sản xuất phân bón, khiến cho dễ phát sinh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
Hơn 10 năm qua, Chính phủ đã ban hành hàng chục Nghị định, Thông tư về sản xuất, kinh doanh và quản lý phân bón nhưng tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng chưa giải quyết được mà ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Phân bón giả đã bị phát hiện trong các đại lý kinh doanh phân bón, trong phòng kiểm nghiệm, kiểm định…
Đặc biệt, hiện có hệ thống lợi ích nhóm, bảo kê của các lực lượng thực thi công vụ tham gia tiếp tay cho gian thương để đưa phân bón giả ra thị trường và tạo điều kiện cho phân bón giả có đất sống. Đây là những “quả bom nổ chậm” phá hoại và làm vô hiệu hóa các Nghị định, Thông tư, gây thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, ngành phân bón gần đây có rất nhiều vụ việc bắt giữ phân bón giả, tuy nhiên sau khi phát hiện chưa xử lý nghiêm, thậm chí bao che khiến sự việc “chìm xuồng”.
Ông này nêu các ví dụ: 8 năm trước, Công ty Tân Trường Sinh sản xuất phân bón giả, Bộ Công An quyết định khởi tố vào tháng 10/2008, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao có quyết định chuyển vụ án hình sự để điều tra, chuyển về tỉnh Hải Dương bị vụ án bị chìm xuống đến nay đã đi vào quên lãng.
Ngày 24/4/2014, Công ty CP Thuận Phong (Đồng Nai) bị Bộ Khoa học và Công nghệ qua kiểm tra kết luận phân bón giả và Trung tâm kiểm định của Bộ này cũng cho biết 19/29 mẫu phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn đăng ký. Sự việc này, Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo, Bộ Quốc phòng 3 lần phát thông tin nói công ty này lợi dụng danh nghĩa của Bộ để sản xuất phân bón giả… Tuy nhiên, đến nay sau gần 1 năm, chưa có thông báo gì về vụ việc.
Mới đây nhất, tỉnh Đồng Nai (nơi đăng ký kinh doanh của Công ty này) đã tháo niêm phong, ra quyết định xử phạt hành chính, sau khi Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định không khởi tố hình sự với công ty này (vì cho rằng, chưa đủ yếu tố cấu thành tội hình sự, nhưng vẫn có sai phạm phải xử phạt hành chính-Dân trí). Tuy nhiên, Hiệp hội Phân bón, trong văn bản trên vẫn cho rằng, việc Đồng Nai ra quyết định chỉ xử lý về sai phạm hành chính với công ty này là “chuyện lạ”, bất thường của kỷ cương phép nước.
Trước đó, ngày 28/4 như Dân Trí đã đưa tin cơ quan thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã công bố có kết luận về sai phạm nghiêm trọng liên quan đến quản lý Nhà nước của Cục Trồng trọt khi chỉ định 11 đơn vị chưa đủ điều kiện về tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng, hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước liên quan đến quản lý phân bón. Đồng thời phát hiện dấu hiệu làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan Nhà nước của các DN trung tâm kiểm nghiệm chất lượng phân bón… Sự việc đang được Bộ NN&PTNT tổ chức xử lý.
Phía Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ đi tới cùng sự việc, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu Cục Trồng trọt vì để xảy ra sai phạm có tính chất nghiêm trọng, diễn ra trong nhiều năm làm tổn hại đến hoạt động sản xuất phân bón, ngành nông nghiệp.
Chính vì những vụ việc có tính chất phức tạp, cùng dấu hiệu có sự dung túng, tiếp tay của một số cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước đã để cho phân bón giả, phân bón kém chất lượng tồn tại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân và nền kinh tế, Hiệp hội Phân bón kiến nghị Thủ tướng quyết liệt trong chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về phòng chống hàng giả, gian lận thương mại, triệt để chống nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng và xử lý nghiêm các vụ việc đã phát hiện để làm gương.
- Trồng thành công sâm Hàn Quốc theo hướng hữu cơ tại Vĩnh Phúc
- Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Phân bón Quốc gia hợp tác liên kết Bình Xuyên – Hightech chuyển giao các giải pháp kỹ thuật, công nghệ ứng dụng vi sinh trong sản xuất phân bón hữu cơ, chăn nuôi, thuỷ sản, môi trường, cảu tạo đất, trồng Nhân sâm, Wasabi tại Vĩnh phúc
- Công ty TNHH Nông Lâm Nghiệp Ứng Dụng Công nghệ cao Bình Xuyên áp dụng công nghệ AI vào việc trồng nhân sâm Hàn Quốc
- Đoàn công tác của Hàn Quốc thăm mô hình nông nghiệp Công nghệ cao do Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia chuyển giao công nghệ trồng nhân sâm Hàn Quốc cho công ty TNHH Nông Lâm Nghiệp ứng dụng Công Nghệ Cao Bình Xuyên tại huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc
- Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Phân bón Quốc gia hợp tác liên kết với Công ty ECOBIZINET Hàn Quốc, Công ty TNHHUDNLN CNC Bình Xuyên – Bĩnh phúc nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng và chuyển giao các sản phẩm Vi sinh trên lĩnh vực Phân bón, cải tạo đất, Thuỷ sản, chăn nuôi, Môi trường, Rác thải…theo chuỗi giá trị tuần hoàn hữu cơ… Ts Trần Văn Thanh 0909111840. Phụ trách phòng kiểm nghiệm 0979682055
- Nghị định 130/2022/NĐ-CP ngày 31/12/2022, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019
- Nghị định 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về quản lý phân bón
- Nghị định 31/2023/NĐ-CP ngày 9/6/2023, quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt
- Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 ngày 22/12/2018
- NGHỊ ĐỊNH 108/2017/NĐ-CP VỀ QUẢN LÝ PHÂN BÓN