Chọn 4 giống lúa để xây dựng tiêu chuẩn gạo thơm Việt Nam

18/03/2021

Chọn 4 giống lúa để xây dựng tiêu chuẩn gạo thơm Việt Nam

4 giống lúa thơm (Jasmine 85, Nàng hoa 9, Thơm RVT và ST20) vừa được Ban Chỉ đạo Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam lựa chọn để làm cơ sở xây dựng tiêu chuẩn gạo thơm của Việt Nam.

Chọn mặt gửi vàng 4 giống lúa thơm

Qua khảo sát thực tế tại 24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của 8 tỉnh ĐBSCL, ngoài giống Jasmine 85, Nàng hoa 9 có sản lượng xuất khẩu lớn, giống lúa ST20 tuy diện tích và sản lượng còn hạn chế nhưng hiện được khách hàng ưa chuộng do chất lượng tốt, gạo có mùi thơm, hạt gạo dài, trong và thon mảnh.

Giống lúa Thơm RVT được lựa chọn để xây dựng thương hiệu gạo thơm Việt Nam

Do đó, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối đã khảo sát, lấy mẫu phân tích chất lượng gạo của 3 giống lúa thơm là: Jasmine, Nàng hoa 9 và ST20 để đưa vào dự thảo tiêu chuẩn gạo thơm.

Các giống lúa Jasmine và Thơm RVT đều có nguồn gốc từ nước ngoài. Nhưng đến nay, các giống này đã được thuần hóa phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam.

Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong những năm gần đây sản lượng xuất khẩu gạo chất lượng cao đã vượt trên 50% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó các giống lúa thơm này đã chiếm tới một nửa. Giống Jasmine là giống lúa thơm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Lương thực VN đang có chương trình phục tráng giống lúa này.

Việt Nam có một số giống lúa thơm đặc sản, chất lượng cao như tám xoan Hải hậu, tám Điện Biên, Nàng thơm Chợ Đào,… nhưng do diện tích trồng rất ít, không còn giữ được chất lượng vốn có của giống và cũng không đủ số lượng để đưa vào nhóm lúa thơm làm thương hiệu gạo Việt Nam.

Làm bài bản, chắc chắn

Theo PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN- PTNT, chuyên gia cao cấp FAO thì chúng ta nên học tập kinh nghiệm của Thái Lan và Ấn Độ. Nhà nước cần sớm ban hành tiêu chuẩn quốc gia gạo thơm Việt Nam (Vietnam Aromatic Rice) ứng dụng cho nhóm giống lúa thơm xuất khẩu hiện nay và sẽ được bổ sung các giống mới trong tương lai.

Đồng thời ban hành nhãn chứng nhận “Vietnam Aromatic Rice” để cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm đáp ứng được tiêu chuẩn.

Sự xuất hiện của nhãn chứng nhận gạo thơm Việt Nam trên nhãn thương hiệu gạo của doanh nghiệp sẽ hình thành thương hiệu quốc gia.

Trước mắt, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp như chọn thuần các giống hiện có như Jasmine 85, VD20, nhóm ST để sản xuất hạt giống nguyên chủng, sử dụng hạt giống xác nhận trong sản xuất.

Đồng thời áp dụng các tiến bộ trong canh tác, cải tiến công nghệ sau thu hoạch, tồn trữ, chế biến và đảm bảo sự trung thực về chất lượng trong thương mại, đặc biệt tránh đẩy nhanh số lượng bằng pha trộn hoặc mở rộng diện tích ở địa bàn không phù hợp…

Việc lựa chọn một số giống lúa đang được sản xuất phổ biến, có sản lượng và chất lượng cao có nguồn gốc từ nước ngoài là chúng ta tiếp thu những tiến bộ của thế giới.

Mặt khác, theo Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ các giống lúa Jasmine cũng như Thơm RVT sau này đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước cũng như quốc tế đều không có vướng mắc gì về mặt pháp lý.

Trong Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã xác định “Ưu tiên lựa chọn 03 giống đặc sản tại ĐBSCL để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu vùng, địa phương hướng tới trở thành thương hiệu quốc gia bao gồm: giống Jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản”.

Xây dựng 3 tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực lúa gạo

Để tiến tới đưa gạo Việt Nam có thương hiệu trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thương hiệu gạo theo lộ trình thực hiện sẽ gồm: thương hiệu gạo cấp quốc gia, thương hiệu gạo cấp vùng và thương hiệu gạo của doanh nghiệp.

Để triển khai đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ NN-PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và giao Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối triển khai.

Trong năm 2016, Cục này xây dựng 3 tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực lúa gạo bao gồm: TCVN gạo thơm (xây dựng mới); TCVN gạo trắng (soát xét TCVN 5644:2008- gạo trắng – yêu cầu kỹ thuật); TCVN Quy phạm thực hành xay xát thóc gạo (xây dựng mới).

Đồng thời, Cục sẽ phối hợp với Hiệp Hội lương thực Việt Nam phát động hội thi tuyển chọn lô-gô cho thương hiệu gạo Việt Nam để chuẩn bị đăng ký bảo hộ trong nước và quốc tế.

Đối với tiêu chuẩn gạo thơm, Ban soạn thảo đã tham khảo các tiêu chuẩn của Thái Lan, Codex kết hợp với khảo sát thực tế để xây dựng dự thảo tiêu chuẩn, tổ chức hội thảo, gửi dự thảo xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp và lấy ý kiến trên website của Cục.

Vì các giống lúa thơm có đặc điểm khác nhau, theo ý kiến của các chuyên gia qua các hội thảo, trước mắt chọn 3-4 giống lúa thơm có diện tích và sản lượng xuất khẩu lớn để làm cơ sở xây dựng tiêu chuẩn, sau đó sẽ tiếp tục soát xét bổ sung các giống lúa thơm đạt chuẩn để xây dựng thương hiệu

Nguồn: nongnghiep.vn

Bài viết liên quan