Bảo vệ đất trồng bằng phân bón cân đối
Đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, cần trả lại cho đất các chất dinh dưỡng khoáng mà cây trồng lấy đi theo sản phẩm thu hoạch để bảo vệ đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp lâu bền. Do đó việc bảo vệ đất trồng bằng bón phân cân đối trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất của trồng trọt.
Cần bón phân cân đối
Cây trồng lấy các nguyên tố dinh dưỡng khoáng (ở dạng dễ tiêu) từ đất, mặc dù tiềm năng (tổng số) của các nguyên tố này trong đất thường lớn nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà khả năng cung cấp dinh dưỡng khoáng dễ tiêu của đất thường rất có hạn, đặc biệt đối với các nguyên tố dinh dưỡng mà cây trồng có nhu cầu lớn (đa lượng). Do đó việc đảm bảo dinh dưỡng khoáng cho cây trồng đạt năng suất và phẩm chất cao, bảo vệ đất trồng bằng bón phân cân đối trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất của trồng trọt.
Các nhà khoa học hướng dẫn nông dân tại tỉnh Nam Định sử dụng phân bón đúng cách. Ảnh: Chu Hồng
Tuy nhiên bón phân cân đối cho cây trồng là điều không đơn giản. Để sinh trưởng và phát triển, cho năng suất và phẩm chất cao, mỗi cây trồng dù có nhu cầu không giống nhau nhưng đều cần 14 nguyên tố dinh dưỡng khoáng thiết yếu, chúng được chia ra 3 nhóm theo nhu cầu về lượng: Đa lượng (N, P, K), trung lượng (S, Ca, Mg, Si) và vi lượng (Fe, Mn, Cu, Zn, B, Mo, Cl). Mỗi nguyên tố dinh dưỡng nêu trên đều có vai trò xác định và không thể thay thế trong đời sống của cây, nên khi thiếu một trong số chúng, sẽ ảnh hưởng rất xấu tới sinh trưởng, năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng.
Bón phân cân đối phải đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khoáng cho cây trồng sinh trưởng khỏe mạnh, đạt năng suất và phẩm chất cao, lại bảo vệ được đất trồng và môi trường để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Trong đó cần cung cấp không chỉ đủ về chất dinh dưỡng mà còn phải đúng lượng (không thiếu hay thừa tùy theo mỗi nguyên tố) phù hợp với nhu cầu của từng cây trồng và khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất trồng, điều kiện khí hậu và kỹ thuật canh tác cụ thể.
Thiếu dinh dưỡng thiết yếu ở cây trồng (có thể là loại hay lượng của từng nguyên tố dinh dưỡng) không chỉ phụ thuộc vào cây trồng (loại, giống…) đất trồng mà còn phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, kỹ thuật canh tác…
Do khí hậu, kỹ thuật canh tác cũng có khả năng ảnh hưởng tới việc cung cấp và sử dụng dinh dưỡng từ đất và phân bón của cây trồng. Nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng còn thay đổi trong quá trình sinh trưởng, trong đó mỗi cây thường có một số giai đoạn có nhu cầu dinh dưỡng cao ứng với sinh trưởng phát triển mạnh của cây.
Thiếu dinh dưỡng ở cây trồng thường thể hiện rõ trong sản xuất theo thứ tự từ đa lượng, đến trung và vi lượng. Thừa hay mất cân đối giữa các chất dinh dưỡng (đặc biệt là N) cũng có khả năng ảnh hưởng rất xấu tới cây trồng (tăng sâu bệnh hại, sinh trưởng quá mức…).
Vì vậy, bón phân cân đối phải đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khoáng cho cây trồng sinh trưởng khỏe mạnh, đạt năng suất và phẩm chất cao, lại bảo vệ được đất trồng và môi trường để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Trong đó cần cung cấp không chỉ đủ về loại chất dinh dưỡng mà còn phải đúng lượng (không thiếu hay thừa tùy theo mỗi nguyên tố) phù hợp với nhu cầu của từng cây trồng và khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất trồng, điều kiện khí hậu và kỹ thuật canh tác cụ thể. Bón phân cân đối có quan tâm tới giá nông sản và phân bón là bón phân hợp lý, nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp hàng hóa không chỉ có năng suất và phẩm chất cao, bảo vệ đất trồng và môi trường mà còn có lãi cao nhất để phát triển sản xuất bền vững trong cơ chế thị trường.
Phân biệt các loại phân bón để lựa chọn
Ở Việt Nam hiện có hàng nghìn dạng, loại phân bón khác nhau, nhưng có thể tập hợp thành 4 nhóm theo đặc điểm và tác dụng chính: Phân hữu cơ, phân vô cơ (khoáng, hóa học), phân vi sinh vật, phân sinh hóa. Trong đó phân vô cơ có vai trò quan trọng nhất trong cung cấp dinh dưỡng khoáng cho cây trồng, phân hữu cơ có vai trò không thể thay thế trong ổn định hàm lượng mùn và khả năng sản xuất tự nhiên của đất, phân vi sinh và phân sinh hóa có vai trò hỗ trợ dinh dưỡng trong trồng trọt.
Người sản xuất thường dùng các loại và dạng phân đơn (đạm ure, supe lân, kali clorua…) hay phân đa yếu tố (NPK) thích hợp để bón cho cây vào các thời kỳ cây sinh trưởng mạnh cũng là thời kỳ cây cần nhiều dinh dưỡng. Trong đó bón phân vào đất (bón gốc) nhằm cung cấp dinh dưỡng qua rễ cho cây là con đường chính sử dụng phân bón, cũng có thể bón phân cho cây qua lá nhưng con đường này thường chỉ dùng để bổ sung dinh dưỡng cho cây vì cây không thể hấp thu nhiều vào một thời điểm qua lá. Cách cung cấp các chất dinh dưỡng trung lượng kinh tế nhất là qua các phân đơn thông dụng (supe lân cung cấp S, lân nung chảy cung cấp Ca, Mg, Si…).
Để giúp nông dân có thể bón phân cân đối, các công ty phân bón thường sản xuất và lưu thông một số phân đa yếu tố chỉ chứa dinh dưỡng đa lượng (N, P, K) nên thường gọi là phân NPK dùng chung cho nhiều đối tượng (cây trồng, đất trồng). Vì vậy sử dụng các phân này còn phức tạp do phải bón cùng các phân đơn, nhưng vẫn chưa đảm bảo cân đối dinh dưỡng N, P, K cho cây trồng cụ thể. Nhiều phân NPK còn chưa được sản xuất theo công nghệ 1 hạt (N, P, K nằm trong 1 hạt phân) nên chưa đảm bảo hiệu quả cao… /
Nguồn: baomoi.com
- Trồng thành công sâm Hàn Quốc theo hướng hữu cơ tại Vĩnh Phúc
- Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Phân bón Quốc gia hợp tác liên kết Bình Xuyên – Hightech chuyển giao các giải pháp kỹ thuật, công nghệ ứng dụng vi sinh trong sản xuất phân bón hữu cơ, chăn nuôi, thuỷ sản, môi trường, cảu tạo đất, trồng Nhân sâm, Wasabi tại Vĩnh phúc
- Công ty TNHH Nông Lâm Nghiệp Ứng Dụng Công nghệ cao Bình Xuyên áp dụng công nghệ AI vào việc trồng nhân sâm Hàn Quốc
- Đoàn công tác của Hàn Quốc thăm mô hình nông nghiệp Công nghệ cao do Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia chuyển giao công nghệ trồng nhân sâm Hàn Quốc cho công ty TNHH Nông Lâm Nghiệp ứng dụng Công Nghệ Cao Bình Xuyên tại huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc
- Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Phân bón Quốc gia hợp tác liên kết với Công ty ECOBIZINET Hàn Quốc, Công ty TNHHUDNLN CNC Bình Xuyên – Bĩnh phúc nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng và chuyển giao các sản phẩm Vi sinh trên lĩnh vực Phân bón, cải tạo đất, Thuỷ sản, chăn nuôi, Môi trường, Rác thải…theo chuỗi giá trị tuần hoàn hữu cơ… Ts Trần Văn Thanh 0909111840. Phụ trách phòng kiểm nghiệm 0979682055
- Nghị định 130/2022/NĐ-CP ngày 31/12/2022, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019
- Nghị định 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về quản lý phân bón
- Nghị định 31/2023/NĐ-CP ngày 9/6/2023, quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt
- Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 ngày 22/12/2018
- NGHỊ ĐỊNH 108/2017/NĐ-CP VỀ QUẢN LÝ PHÂN BÓN