Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 3/2016 đạt 274 nghìn tấn với giá trị 80 triệu USD, đưa khối lượng phân bón nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2016 đạt 843 nghìn tấn với giá trị đạt 249 triệu USD, giảm 2,2% về khối lượng và giảm 6,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, khối lượng nhập khẩu phân đạm URE ước đạt 106 nghìn tấn với giá trị đạt 27 triệu USD, tăng gấp hơn 4,2 lần về khối lượng và tăng hơn 3,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015; phân SA ước đạt 215 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu đạt 27 triệu USD, giảm 8,2% về khối lượng và giảm 15,5% về giá trị so với năm 2015.
Nguồn nhập khẩu phân bón chủ yếu vẫn đến từ Trung Quốc (tuy có giảm 0,3% về khối lượng) chiếm 40,3% tổng khối lượng nhập khẩu mặt hàng này. Thị trường có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là Malaixia (tăng hơn 5 lần) tiếp theo là Hàn Quốc (tăng gấp gần 2 lần). Thị trường có giá trị giảm mạnh nhất là Nga, giảm tới 79,4% về khối lượng và 80,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trong tháng 3/2016, giá phân bón Urê tại một số thị trường chính tăng nhẹ do nhu cầu phân bón tăng tại một số nước cùng với ảnh hưởng giá của các mặt hàng dầu, khí đang tăng nhẹ. Riêng giá phân bón tại thị trường Yuzhny giảm. Cụ thể: ĐVT: USD/tấn
Thị trường | Tháng 3/2016 | Tháng 2/2016 | T3/2016 so với T2/2016 |
Yuzhny (FOB) | 194-195 | 213-214 | Giảm 19 |
Baltic (FOB) | 235-240 | 220-225 | Tăng 15 |
Trung Đông (FOB) | 220-225 | 210-215 | Tăng 10 |
Trung Quốc | 218-220 | 208-211 | Tăng 9-10 |
Trong nước, nhu cầu phân bón vẫn trong giai đoạn thấp, bên cạnh đó khô hạn và xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng (đến giữa tháng 3/2016 đã có 11 tỉnh công bố tình trạng thiên tai hạn hán và xâm ngập mặn) nên giá phân bón trong nước tiếp tục giảm nhẹ ở miền Nam và ổn định tại miền Bắc.
Cụ thể: Tại miền Bắc, mức giá phổ biến khoảng 7.500 – 7.800 đồng/kg; tại miền Nam, mức giá phổ biến khoảng 7.500 – 7.700 đồng/kg, giảm 300 – 600 đồng/kg.
Tính chung qúy I/2016, thị trường thế giới: Nguồn cung phân bón dồi dào cùng với tác động của giá các mặt hàng nhiên liệu năng lượng giảm nên giá phân bón Urê có xu hướng giảm liên tục trong hơn 2 tháng đầu năm. Từ cuối tháng 3, thị trường phân bón khu vực châu Á bắt đầu phục hồi nhẹ nên giá mặt hàng phân bón Urê tăng nhẹ tại một số thị trường chính.
Thị trường trong nước: Nhu cầu tiêu dùng giảm với nguồn cung trong nước tăng, nguồn hàng nhập khẩu giá thấp nên giá phân bón Urê quý I/2016 có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, hạn hán và xâm ngập mặn cũng làm giảm diện tích gieo trồng, nhu cầu sử dụng phân bón cũng giảm nên giá phân bón thấp. Cụ thể:
Thị trường | Tháng 1/2016 | Tháng 2/2016 | Tháng 3/2016 | Quý I/2016 | Quý I/2015 | Quý I/2016 so với Quý I/2015 |
Thế giới (USD/tấn) | 235-255 | 208-225 | 194-240 | 194-255 | 262-325 | Giảm 69 |
Trong nước (đồng/kg) | 7.800-8.300 | 7.200-7.800 | 7.500-7.800 | 7.200-8.300 | 7.900-8.500 | Giảm 450 |
Dự báo: Trong thời gian tới, thời tiết chuyển dần sang mùa mưa, vụ Hè Thu tại các tỉnh phía Nam chuẩn bị xuống giống, mực nước các sông có thể tăng khi Trung Quốc xả nước đầu nguồn sông Mê Kông giúp giảm tình trạng khô hạn, nhu cầu phân bón sẽ tăng cùng với tác động của giá nguyên liệu năng lượng thế giới tăng nên giá phân bón có thể phục hồi nhẹ./.
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn