Biến đổi khí hậu đẩy DN phân bón vào cửa khó

18/03/2021

Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp niêm yết trong ngành phân bón đều đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016. Có thể nhận thấy bức tranh chung về ngành phân bón trong quý 2 và 6 tháng đầu năm chưa có nhiều khởi sắc.

Theo thống kê từ các doanh nghiệp, giá phân bón đầu ra của các doanh nghiệp tiếp tục xu hướng đi xuống trong quý 2/2016. Theo đó, giá super lân và NPK của CTCP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (LAS) giảm lần lượt 11% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá ure của Tổng CTCP Phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM) trong quý 2 ghi nhận mức giảm 3,6% so với quý 1/2016 và giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, NPK Phú Mỹ giảm 2,2% so với cùng kỳ. Nhìn chung, các loại phân đơn có tốc độ giảm nhanh hơn so với các loại phân phức hợp. Do vậy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành về cơ bản cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi xu hướng giá trên.

Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh có sự phân hóa theo vùng miền, trong đó, LAS làdoanh nghiệp sản xuất phân lân và NPK lớn nhất khu vực phía Bắc ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của công ty giảm lần lượt 24,6% và 66% so với cùng kỳ khi sản lượng và giá bán đều sụt giảm. Trong khi giá bán chịu sức ép đi xuống, sản lượng bán hàng sụt giảm mạnh (giảm 16,5% so với cùng kỳ) tạo hiệu ứng kép lên sự sụt giảm của kết quả kinh doanh.

Ngược lại, các doanh nghiệp phía Nam gồm DPM và CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) lại ghi nhận sự phục hồi trong hoạt động bán hàng trong quý 2/2016. Tuy nhiên, mức tăng trường không thực sự ấn tượng và phần lớn là do sự đóng cửa của hai nhà máy phía Bắc. Theo đó, kết quả kinh doanh 6 tháng của DPM cải thiện nhờ giá khí đầu vào giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản lượng tiêu thụ ure sản xuất đạt 463.000 tấn, tăng 6%, nhờ sản lượng sản xuất ổn định trong khi các nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc tạm dừng hoạt động. Giá bán đầu ra quý 2 của DPM giảm 3,6% so với quý 1 và giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do giá ure thế giới giảm, nhu cầu trong nước cũng giảm dưới tác động của tình trạng hạn hán tại Đông Nam Bộ và Tây Nguyên và tình trạng xâm nhập mặn ở Tây Nam Bộ. Tổng doanh thu thuần 6 tháng của DPM đạt 4.424 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 786 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.

Tương tự, hoạt động bán hàng của BFC 6 tháng đầu năm duy trì tích cực nhờ lợi nhuận từ CTCP Bình Điền Ninh Bình. Sản lượng NPK tiêu thụ được trong 6 tháng đầu năm của nhà máy này ước tính đạt 80-90.000 tấn, so với mức 100.000 tấn của cả năm 2015. Nhờ vậy, kết quả kinh doanh hợp nhất của BFC tăng trưởng khả quan, doanh thu giảm nhẹ 2,4% trong khi đó lợi nhuận sau thuế tăng 45% so với cùng kỳ.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá phân bón năm 2016 sẽ giảm khoảng 2%-5% so với năm 2015, trong đó giá phốt pho giảm mạnh nhất 5%, các loại phân bón khác giảm khoảng 2%.

Hiện tượng El-nino và La-ninatác động trực tiếp đến ngành phân bón. Do ảnh hưởng của El-nino, lượng mưa và dòng chảy sông ngòi thâm hụt cũng như ngập mặn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Diện tích canh tác bị thu hẹp cộng với việc không đủ nước tưới tiêu nên nhu cầu phân bón suy giảm.

Trong khi đó, La-nina thường gây lũ lụt, ngập úng làm chết cây trồng của người dân ở miền Trung, làm giảm nhu cầu tiêu thụ phân bón. Ở miền Nam và miền Bắc, 2 khu vực canh tác chính của Việt Nam, mưa nhiều khiến phân bón dễ bị rửa trôi nên nhu cầu tiêu thụ phân bón có thể tăng lên.

Bên cạnh khó khăn trong nguồn nước tưới tiêu, người nông dân còn phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Trong vụ lúa Đông Xuân 2015-2016, ước tính 23% diện tích gieo cấy vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị hạn và xâm nhập mặn.

 

Bài viết liên quan